Thursday, December 29, 2011

HOÀNG LONG HẢI ** Một góc của tử thần

Đào Hải Triều

(Dziệt Cộng giết người Tết Mậu Thân ở Huế -  Viết theo lời kể của Hòang Đông)


Anh Hoàng Đông hiện ở Nam Cali, kể:
Anh Hoàng Đông, nhà ở số 55 đường Võ Tánh, ngang ngã ba Võ Tánh và Hồ Xuân Hương kể rằng sáng sớm mồng hai tết, nhìn ra đường anh thấy hai toán Dziệt Cộng đi hai bên đường, từ hướng Bãi Dâu lên. Toán Dziệt Cộng nầy không mặc đồng phục, đội mũ tai bèo và mang súng AK (sau nầy anh mới biết đó là súng AK.)

Friday, December 23, 2011

NGUYÊN GIÁC PTH * Những Lòi Dạy Từ Các Thiền Sư VN Xưa * Bài 4



5- Taming the mind

Outwardly, stop all involvement; inwardly, stop all fabrication.
Be alert -- have a mind unmoved by the form you see, by the sound you hear, by the odor you smell, by the flavor you taste.
Constantly, watch the ox moving, listen to its hoofbeats.
Constantly, in any movement, never keep your eyes away from the ox.
Constantly, keep your mind on the ox while lying, sitting, standing and walking.
Constantly, keep watching inwardly.
It’s wrong to let it wander wildly.
QUANG TRI (circa 18th century)

Tuesday, December 20, 2011

NGUYỄN ĐỨC NHƠN * Đêm Noel


Đêm Noel ta ngồi như tượng đất
Lạnh ngoài trời lạnh cả trong tim
Chuông giáo đường buồn hơn tiếng nấc
“Đêm thánh vô cùng” đêm thánh bình yên.

Đêm huyền diệu lung linh màu tuyết trắng
Buồn không em, lời sám hối ăn năn
Ta một đời rong chơi cùng mộng mị
Chừ ngồi đây lòng bỗng thấy băn khoăn!...

TIỂU TỬ ** Thằng Dân



Trong chuyện phiếm này, tôi gọi ” thời chú Sam” để chỉ miền Nam trước tháng 4 năm 1975 và ” thời bác Hồ ” để chỉ miền Nam dài dài sau đó. Cho thấy miền Nam trước có chú, rồi sau có bác thay thế nhau chăm sóc tận tình. Thật là…đại phước !
Ở xứ nào không biết, chớ ở Việt Nam xưa nay người dân vẫn được coi như không có… kí lô nào hết, mặc dù họ đông như kiến !

Thursday, December 15, 2011

TÔ THÙY YÊN ** Tặng Phẩm, Đi Xa & Biệt Tăm



Tặng Phẩm

Thức cho xong bài thơ.
Mai sớm ra đi,
Cài hờ lên cửa tặng.

Wednesday, December 14, 2011

NGUYÊN GIÁC PTH * Những Lời Dạy Từ Các Thiền Sư VN Xưa – Bài 3



3 - Thở

Hơi thở ra, hơi thở vào tự hiểu,
hơi thở ra, hơi thở vào tự biết.
Đương lúc ấy là hiểu, về sau là biết.
Hiểu là hiểu hơi thở dài ngắn.
Biết là biết hơi thở sinh diệt thô tế chậm nhanh.

Thursday, December 8, 2011

VÕ THỊ ĐIỀM ĐẠM * Cành Rong Biển Chưa Khô

tranh Thanh Trí

Ra trường, Loan không đi nhận nhiệm sở, bỏ tất cả, theo chị Hạnh, nguời chị bà con , dẫn dắt chạy thuốc tây. Bản chất chân thật và tin người đã giúp Loan rất nhiều trong sự buôn bán hàng chạy này. Môi trường chạy hàng thuốc tây, đa số là các chị có chồng đi cải tạo, các chị có chút học thức, ngày xưa quen được chiều chuộng, nay phải bung ra va chạm với đời.

Monday, December 5, 2011

PHAN HUY ĐƯỜNG * Thời gian người trong tiểu thuyết


Lâu rồi tôi lại được đọc một tiểu thuyết đáng mê từ Việt Nam.

Những ngã tư và những cột đèn. Trần Dần. Xuất bản năm 2011, theo bản thảo hoàn tất năm 1965-1966, và bản chép lại có sửa đổi năm 1989 của tác giả.

Nội dung "cụ thể" ? Tâm trạng của một con người đang bị quyền lực toàn trị vây hãm, nghiền nát.

THIÊN HÀ * Xa Dấu Ngựa Hồng


tranh Hồ Thành Đức

Một mai anh đưa em về
Chiều nghiêng bóng xế lên cao
Đàn chim xa khu rừng cũ
Đường trăng hoa nắng lao xao

Mây buông xuôi tóc xõa
Ngẩn ngơ cỏ hoa trước ngõ
Bàn tay thon thon ngón nhỏ
Dìu em qua lũng qua truông

Một mai anh đưa em về
Nửa đêm thức giấc chiêm bao
Lời ca dao trên môi mẹ
Buồn xa tao võng lao đao

NGUYÊN GIÁC PTH * Những Lòi Dạy Từ Các Thiền Sư VN Xưa * Bài 2

2- Học Đạo

Các ngươi! Tất cả các người học đạo lấy tâm siêng năng cúng dường Phật, không gì khác hơn chỉ cầu dứt được các nghiệp ác.

Tâm miệng niệm tụng, tin hiểu nghe nhận,
ở chỗ vắng vẻ yên lặng, gần thiện tri thức.
Nói ra lời hòa nhã, nói phải thời đúng lúc, trong tâm không khiếp nhược.
Liễu đạt nghĩa lý, xa lìa ngu mê, an trụ chỗ bất động.
Quán tất cả pháp vô thường, vô ngã, vô tác, vô vi.
Nơi nơi lìa phân biệt, ấy là người học đạo…

Friday, December 2, 2011

NGUYỄN LỆ UYÊN * Buổi Sáng Trong Làng


Gà vừa cất tiếng gáy sang canh, Dự vội vã bật dậy nhóm bếp nấu ấm nước pha trà, loại trà nát như cám được phân phối theo tem phiếu trên cửa hàng mậu dịch của hợp tác xã. Uống loại nước chan chát không mùi vị khiến anh có cảm giác như lúc ở trại Thập hái lá cây rừng sao vàng thay trà. Dẫu sao trà cám vẫn hơn nước đun sôi và nước đun sôi vẫn hơn loại lá rừng đắng chát. Với lại, thời buổi này không thể tìm đâu ra thứ trà ướp ngâu, ướp sen… mà có thì cũng không có tiền mua. Cái gì cũng có thể trở thành thói quen, anh thầm nghĩ và uống cạn bình trà trước khi đứng dậy ra tháo cổng chuồng.

PHƯƠNG TRIỀU * Mùa Thu Cổ Tích





Người tới hỏi... người thiên thu nằm đó 
Bao năm dài trời thức muộn hừng đông 
Con chim nhỏ chối từ câu hát mượn 
Miệng cười sao lòng chậm nỗi vui mừng ! 

Mùa thu cổ tích người đong rượu 
Từng chén hoàng hoa dỗ cuộc chơi 
Thơ về lớp lớp câu hào sảng 
Hồn cứ lâng lâng nghĩa khí đời !

LINH PHƯƠNG * thơ


Ta biết ta buồn hơn thuở trước
Gió ngoài sân gió thổi mưa về
Sáng nay lòng bỗng dưng muốn khóc
Nhớ đêm qua nằm sốt ta mê

NGUYÊN GÍAC Phan Tấn Hải * Những Lời Dạy Từ Các Thiền Sư VN Xưa * Bài 1


Lời Giới Thiệu

Suốt hai ngàn năm lịch sử truyền thừa, trải bao thế hệ lịch đại tổ sư và chư vị cao tăng thạc đức, Phật Giáo Việt Nam có được kho tàng pháp bảo quý giá với hàng trăm bài pháp khai đạo, khuyến tu qua các thể loại thơ, văn, kệ, tán, vừa cao sâu vi diệu, vừa hữu ích thiết thực cho con đường tu tập và chứng đắc của những hành giả thực hiện giác ngộ và giải thoát.

Wednesday, November 30, 2011

ĐẶNG LỆ KHÁNH * sợi khói trong hồn





Chàng nhạc sĩ gần nủa đời người, sống giữa thành phố nhộn nhịp ánh đèn, rộn ràng xe cộ, quay theo cơn lốc của đời sống đô thị, có một buổi chiều lái xe chở người yêu bé bỏng ra ngoại ô, ghé vào một khu vườn trống nhà ai, có khoảng đất cao nhìn ra đồng ruộng đang trổ lúa thơm . Nàng trãi vạt áo dài sau lên vạt cỏ cho chàng ngồi, không ngại rằng về nhà mẹ hỏi. Nàng sẽ thưa là qua cầu bụi bám, là đường phố quá đông, là chợ không được sạch, thiếu gì chuyện để thưa về một vạt áo bám bụi đường.

NGUYỄN ĐỨC NHƠN * Bóng Thời Gian





Hưng phế ngàn năm giấu mặt
Cổ kim luận tội anh hùng
Trái đất ngàn năm què quặt
Sao khuya rớt giữa muôn trùng

Hình nộm mặc áo long bào
Xua tay đuổi bầy ngạ quỷ
Mặt nạ ngàn năm giấu kỹ
Bùa mê rải khắp tinh cầu

Tuesday, November 29, 2011

PHAN BÁ THUỴ DƯƠNG ◙ Nói Với Thiền Khách


Cánh hạc nào bay trong triền nắng sớm
tiếng hót xa xăm
như tận cõi trời ...
sao u trầm chất ngất khách thiền ơi
xin nhẹ bước trên lối mòn tỉnh lặng


Rừng cô tịch có gì đâu tra vấn
lửa chân như có đủ ấm linh hồn
đất bùn nào còn in lại dấu chân
tâm vô niệm đường xa gần đi mãi

PHẠM TÍN AN NINH * Một Chuyện Tình Cao Quý


tranh Nguyễn Trung

1-

Mallorac, hòn đảo du lịch nổi tiếng của Tây Ban Nha, nằm trong quần đảo Balearic. Trước khi đến đây, vì nghi là đảo, nên tôi tưởng chỉ có rừng núi và biển cùng một vài làng mạc hay khu phố nhỏ. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi phi cơ đáp xuống phi trường Palma rộng lớn, kiến trúc tân kỳ, sang trọng còn hơn nhiều phi trường quốc tế khác mà tôi đã từng đi qua. Palma là thủ phủ tráng lệ của Mallorca, nằm trên một dãy đồi cao nhìn xuống biển xanh. Đặc biệt khu nhà thờ Cathedral nằm bên cạnh giáo đường Mussulman, gồm những kiến trúc độc đáo, nổi tiếng theo kiểu Mediterranean Gothic từ thế kỷ thứ 13.

Monday, November 28, 2011

MH HOÀI LINH PHƯƠNG * Chỉ Một Saigon











Vẫn chỉ một Saigon trong ký ức….
Tưởng chừng như ngày ấy… mới hôm qua
Phố Lê Lai em dáng nhỏ nhạt nhòa
Mi thầm lặng tiễn người ra mặt trận

PHẠM TÍN AN NINH * Về Cái Chết Oan Khuất Của Nhạc Sỹ MINH-KỲ


“Nha Trang là miền quê hương cát trắng
Có những đêm nghe vọng lại, ầm ầm tiếng sóng xa đưa
Nha Trang cánh đồng bao la bát ngát
Hương quê dâng lên ngào ngạt, hòa cùng sức sống yên vui
.......

Ai ơi, người về cho ta nhắn với
Nha Trang quê hương dịu hiền, ngàn đời lòng tôi mến yêu”



Ai đã sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, hoặc đã từng ghé lại đây đôi lần, đều không quên bài hát dễ thương này, mà cả một thời gian gần hai thập niên, đài phát thanh Nha Trang đã dùng làm nhạc hiệu mở đầu.

LỆ KHÁNH * Đêm Không Ngủ



Cháu cũng biết chú bây giờ quên hết
Chuyện ngày xưa từ ước hẹn ban đầu
Chú trả về cho quá khứ dài sâu
Cháu tiếc nuối chuyện tình trong ngang trái

NGUYỄN MẠNH TRINH * Tomas Transtromer, giải Nobel văn chương 2011


Tomas Transtromer
Hàn Lâm Viện Thụy Điển vừa công bố kết quả giải Nobel văn chương năm 2011 cho thi sĩ người Thụy Điển, Tomas Transtromer. Ông là một trong bốn tác giả được nhiều cơ quan truyền thông có uy tín chọn lựa trong danh sách có thể đoạt giải là tiểu thuyết gia Nhật Bản Haruki Murakami, nhà thơ người Syrian Adonis 81 tuổi, ca sĩ nhạc sĩ và nhà thơ Hoa Kỳ Bob Dylan và Tomas Transtromer người Thụy Điển 80 tuổi. Ông nổi tiếng vì những bài thơ có phong vị ngọt ngào, ngôn ngữ có nhiều tầng và đa diện, cũng như nhiều khám phá về liên hệ con người và thiên nhiên và những góc cạnh ẩn tàng trong tính nhân bản mà với công việc của một người trị liệu tâm lý đã tạo cho ông những cảm hứng để sáng tác. Trong những năm trước ông là người nằm trong danh sách những tác giả nổi danh hy vọng đoạt giải như Philip Roth, Joyce Carol Oates, Salman Rushdie, Comac McCarthy.

THIẾU KHANH * Phân Vân



Thì cũng mang theo tiếng khóc đầu 
Ra đời xương máu cũng như nhau 

Trăm nghìn năm trước người đi trước 
Cũng giống nghìn sau kẻ đến sau


Nhưng bỗng hoang mang đến sững sờ 
Một lần nào đó ngỡ bâng quơ 

Trong đêm thăm thẳm nghe chồn dậy 
Nỗi nhớ vô cùng nhớ ngẩn ngơ

TUỆ SỸ * Tôi Vẫn Đợi



Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải 
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng 
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi 
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng. 

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió 
Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa 
Nhìn hun hút cho dài thêm Lịch Sử 
Dài con sông tràn máu lệ Quê Cha... 

Wednesday, November 23, 2011

LUÂN HOÁN * Cũng Đành


® Nguyễn Thị Hợp
  

nhẹ nhàng hai tiếng “em đây”
lòng anh trẻ lại như ngày xưa xa

xưa con gái, nay đàn bà
nhưng mà em vẫn chính là em thôi

lời thỏ thẻ ấm cánh mô
từ tim phổi đẩy dòng hơi dịu dàng

vịn lời em, anh mơ màng
hôn lên đôi mắt nai vàng dễ thương

đôi mắt mở sẵn con đường
cho hươu anh chạy bất thường theo em

đã vào tới được trái tim
tội nghiệp khoảng cách im lìm chắn ngang

tâm sự suông vẫn man man
lấp không kín nỗi nồng nàn cách xa

hẹn rồi hẹn cho đến già
ngọn đèn chung bóng khó mà thắp lên

Luân Hoán

Tuesday, November 22, 2011

VIỆT HẢI * Cali Mưa và Tháng Mười Một


Cali lại mưa rơi, tôi và cháu con trai lớn dạo bước ra khỏi bookstore trường trong campus đại học, mưa tuôn rơi đều đặn ướt nhòa kính cận của hai bố con tôi, trời bên ngoài lạnh quá, chúng tôi hướng về parking lot, may quá đến nơi rồi. Nam vội vặn máy sưởi và cháu cho xe chạy, tôi vươn tay vặn máy CD, bài hát quen thuộc xa xưa tôi vốn thích vang lên, "Rhythm of The Rain", của nhóm Cascade:

TRƯƠNG VĂN DÂN * Truyện ngắn chuyển ngữ

..” Dino Buzzati sinh năm 1906 tại Belluno, mất năm 1972 ở Milano (Italia). Trước khi viết văn, ông là họa sĩ, nhạc sĩ và nhà báo, từng là phóng viên chiến trường và phụ trách mục phê bình nghệ thuật cho Corriere della Sera, một nhật báo quan trọng nhất nước Ý. Với Sa mạc Tartari (1940), tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, ông đã trở thành một trong những tên tuổi lớn của thế kỷ 20. Nhiều truyện dài của ông đã được chuyển thành kịch bản sân khấu, phát thanh và truyền hình. Truyện Con chó gặp Chuá, đã được trình diễn trên đài truyền hình Pháp.

TRẦN HUIỀN ÂN * Hóa Thân Vách Đá

© Đào Hải Triều












Ta ở đây hoa vàng và lá tím
Núi thì xanh xanh mãi tận chân trời
Cây với cỏ suốt bốn mùa bịn rịn
Chưa một lần nghe sóng vỗ trùng khơi

Và cứ thế rồi cũng thành quen hết
Ta là ta con thác đổ lưng đèo
Ta là ta mây cao dàn trảng rộng
Nắng trong ngần rọi bóng nước trong veo


Ta cũng biết người xa xôi quá đỗi
Lòng mênh mông nào ai thấy bến bờ
Lòng thăm thẳm nào ai dò nông nổi
Một bước vào hun hút cõi hư vô

Thôi thì vậy bạn bè cùng cổ thụ
Nghe lời chim liên tưởng ấy lời người
Cánh bướm chớp từng trang thư gấp mở
Hóa thân in vào vách đá nơi nơi


Trần Huiền Ân

Monday, November 21, 2011

TUỆ SỸ * Thuyền Ngược Bến Không

Tuệ Sỹ

Dưới hiên mưa vắng hồn khua nước
Thả chiếc thuyền con ngược bến không
(Thơ Viên Linh, Thủy mộ quan)

Tôi sinh ra thì thế chiến II đang hồi kết thúc. Lớn lên chút nữa, khi biết nghe và hiểu, những chuyện vãn người lớn về việc đánh nhau đâu đó, lúc nào đó, bao giờ cũng hấp dẫn như chuyện cổ tích. Mà hình như đó lại là những chuyện mà tuổi con nít của tôi được nghe nhiều hơn là chuyện cổ tích. Trong gia đình tôi, thỉnh thoảng thấy vắng đi một người lớn. Rồi lại nghe những câu chuyện thì thầm. Mấy chú, mấy anh lớn, đã từng ẳm bồng tôi, bỗng chốc họ trở thành nhân vật trong truyện cổ tích. Cách mà người lớn kể chuyện, lại làm cho không khí của chuyện cổ tích ấy càng trở thành huyền bí.

Cho đến khi lai rai đọc được tiếng nước ngoài, chuyện kể về chiến tranh bỗng thành hoài niệm; hay chỉ hình như là hoài niệm thôi, vì đấy là quá khứ mà mình không thấy, không nghe. Có điều, hoài niệm ấy không làm sao mờ đi được. Vì nó đã trộn lẫn quá khứ với hiện tại. Quá khứ ấy, khi chợt biết, nó đã có quá nhiều mất mát. Vì những người đã đi, chưa thấy ai trở lại. Rồi cả những người cùng trang lứa cũng lần lượt ra đi. Mình thì may mắn được ở lại. Nhìn quanh, bảng đen, lớp học, sân trường. Sự sống vẫn băng băng lôi người đi tới, với những cạnh tranh vất vả.

Chiến tranh, thù hận, và đâu đó, từ sâu thẳm của khát khao, tình yêu và sự chết là nỗi ám ảnh, và như chất liệu cho ý thức sinh tồn. Có một cõi thi ca riêng biệt như vậy. Dành cho những tâm hồn nhạy cảm. Nhìn con chim giãy chết trong tranh mà ngơ ngẩn, bàng hoàng. Nhưng ngôn ngữ của nó cũng biến hình. Tình yêu, thất vọng, đam mê, như những con sóng nồng nhiệt trên mặt nước, mà dưới đáy sâu ai biết ẩn chứa những gì.

Nước xa cuồn cuộn ra khơi
Sâu trong tâm thể có đôi giọt gần
(Dư tập, Thủy mộ quan)

Những câu thơ như vậy thật hiếm hoi cho một đời bận rộn. Không bận rộn sao được, khi quanh mình những bạn bèn trang lứa lần lượt ra đi. Một số người vượt suối, vô rừng. Đi theo tiếng gọi của hận thù, máu lửa, trong trái tim đang bốc cháy bởi chủ nghĩa anh hùng. Để lại cho thành phố khúc hát “Người đã đi, đi trên non cao…” Một số khác ra đi, để lại tiếng khóc nghẹn ngào, điên loạn: “Ngày mai đi nhận xác chồng. Say đi để thấy mình không là mình.” Tình yêu, thù hận, bỗng trở thành mâu thuẫn biện chứng.

Mấy chục năm sau, một thế hệ đang lớn, như nắng trưa xích đạo che lu ánh đuốc quá khứ lập lòe của mình; thỉnh thoảng tôi đi tìm lại một vài câu thơ đâu đó, mà cũng không dễ gì tìm được, để cho hoài niệm quay lại một thời, trong đó mình đã sống, đã suy nghĩ, ưu phiền, và cả đến những dại dột ngông cuồng của tuổi trẻ. Trong tình trạng mà người cũ lánh xa, vì hiểm nguy rình rập mơ hồ, thì chuyện biển rộng sông dài chỉ có trong tranh, và trong trí nhớ. Lại vẫn điệp khúc hoài niệm bâng quơ.

Tôi không đoán được bạn trẻ yêu thơ ngày nay, nếu tình cờ đọc được bốn câu thơ dưới đây sẽ gợi lên ấn tượng gì.

Nhưng người đã sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, mà tình yêu và thù hận là những xung đột, khắc khoải trong lòng, những câu thơ ấy gợi nhớ một thời, hay đúng hơn là một ấn tượng, có thể thoáng qua chốc lát:

Chiều về trên một nhánh sông
Bên tôi con nước đỏ lòng quanh co
Nước loang dưới đáy trời dò
Buồn tôi thánh thót trên lò nhân sinh
(Một Nhánh Sông, Dư Tập, Thủy Mộ Quan)

Đó là một chút hơi thở tàn sinh, như bóng nắng là đà trên mặt nước, không có những trầm mặc thăm thẳm trong lòng đại dương. Một nhúm cỏ xanh nhởn nhơ trên cánh đồng khô cháy. Nhưng ai có thể phê bình nhúm cỏ vô tình? Ấn tượng của một người đọc thơ từ trong hủy diệt bạo tàn của chiến tranh là như thế.

Rồi đất nước hòa bình, dân tộc đang trở mình từ trong khói lửa, để cho hận thù hóa thân thành tình yêu. Và cũng là lúc bắt đầu một thế hệ cầm bút bị khước từ. Vì đã không thể nhận thức tình yêu theo định nghĩa của biện chứng. Trong đó, tình yêu chỉ có thể trưởng thành bằng hận thù và hủy diệt. “Máu của người đem lại tình thương.”

Ngồi trên đỉnh đồi Trại thủy, giữa thành phố Nha trang, nhìn xuống bên dưới, từ trong làng kéo ra một đoàn thiếu nhi Tiểu học, hô vang khẩu hiệu chào mừng cách mạng, đả đảo văn hóa giáo dục phản động, đồi trụy. Tôi biết mình đang bị chối bỏ. Và bị chối bỏ thật. Từ chỗ là thành phần ăn bám, rồi trở thành phần tử nguy hiểm, và được liệt xuống hàng cặn bã xã hội, tạm tha tội chết để được ân huệ khoan hồng sống hết kiếp sống thừa. Lại một lần nữa, những người cũ của tôi theo nhau lần lượt ra đi. Thời chiến tranh, một lớp bạn lên rừng. Thời hòa bình, một lớp bạn xuống biển. Dân tộc chợt quay trở lại với huyền thoại mở nước. Những người con theo Mẹ, đã có lúc khinh ghét anh em mình, bỏ lên rừng. Một thời gian sau, những người con theo Mẹ lên rừng nay quay trở về đô thị. Lại những người anh em khác sợ hãi, vội bỏ trốn theo, tìm về biển:

Vua gặp Âu Cơ lúc thủy du
Cùng nàng rung động nước thiên thu
Duyên tan nàng bắt con về núi
Những đứa theo cha khổ đến giờ
(Thủy Mộ Quan)

Ba chục năm, một nửa theo Cha, một nữa theo Mẹ. Nhưng huyền thoại của nhà thơ này vẫn còn quên một số anh em trở thành côi cút. Cha thì ở đâu không thấy, mà tự thân thì bị ruồng rẫy bởi chính anh em mình ngay trên đất Mẹ. Không Cha, cũng không Mẹ, ta đi tìm dấu tích Trường sơn, “Quê người trên đỉnh Trường sơn. Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu.” (Thơ Tuệ Sỹ).


Tôi không nói đến hận thù. Nhưng một nỗi oan khiên nào đó, khiến cho lời nói của mình như trong cơn mê sảng. Bạn cũ ở quanh đây thôi, vẫn gần như những ngày nào, một thời buồn vui. Có lẽ bạn cũ ngại ngùng, ngại nghe những điều được giả thiết là tôi sẽ nói. Thật sự, tôi chẳng được phép nói gì cả. Vẫn được chỉ định phải đứng bên lề xã hội đang hội nhập văn minh. Còn những bạn khác, hãy gọi là cố nhân, bấy giờ mỗi kẻ một phương trời. Tôi chẳng biết họ đang làm gì, đang nghĩ gì. Mỗi người một phong cách, trong một thế giới mở rộng, đa văn hóa. Tôi nghe nói như vậy.

Dù ở phương này hay phương kia, dù có hay không có hai trận tuyến văn chương cùng chung loại hình ngôn ngữ của Mẹ, vẫn còn hàng vạn nắm xương dưới lòng biển:

Lưu vực điêu tàn ở Biển Đông
Xương bầy như thú cháy rừng hoang
Nhưng rừng không cháy nào đâu thú
Người chết thân chìm Thủy Mộ Quan.
(Viên Linh, Thủy mộ quan)

Hận thù có thể xóa được dễ dàng thôi, nhưng u uẩn của những hồn oan đáy biển vẫn ám ảnh tâm tư. Người sỗng vẫn mang mãi ân tình của người đã chết, dù trên rừng hay dưới biển, vì oan nghiệt riêng tư hay vì tình chung dân tộc. Xưa Nguyễn Du đã làm “Văn tế thập loại chúng sinh”; không chỉ là món nợ văn chương cho người đã chết, mà đó còn là tình tự thiết tha từ cõi chết vọng về. Tôi đọc bài “Gọi hồn” trong Thủy mộ quan cũng với tâm trạng tương tợ:

Trên Huyết Hải thuyền trồi về một chiếc
Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương.

(…)

Trong rêu xanh ngân ngật bóng sơn hà
Lướt hải phận về dưới trời cố quốc.

(…)

Bài thơ không mang tiết nhịp gây cảm xúc bàng hoàng tức khắc, nhưng những ấn tượng rải rác trong cả tập Thủy mộ quan làm cho bài thơ phảng phất nỗi kinh sợ, rùng mình:

Trinh nữ trầm oan nổi giữa dòng
Thân băng ngàn hải lý về sông
Xung quanh không một người than khóc
Chỉ cá trùng dương theo hộ tang.

Dù sao thì đất nước cũng đang hồi sinh. Những người ra đi, lần lượt kéo nhau về. Ấy thế, hờn giận giữa anh em vẫn còn là vết thương nhức nhối. Văn chương bây giờ vẫn là một lựa chọn, hoặc một nhân cách. Thi ngôn chí. Thiên cổ văn chương thiên địa tâm. Trong tận đáy sâu tâm khảm, mỗi nhà thơ vẫn chung một tình tự nghìn đời, dù biểu hiện có hận thù cay nghiệt. Tôi mong được như lời Viên Linh nói:

Sinh ở đâu mà giạt bốn phương
Trăm con cười nói tiếng trăm giòng
Ngày mai nếu trở về quê cũ
Hy vọng ta còn tiếng khóc chung.

Tuệ Sỹ

DOÃN QUỐC SỸ * Vùng Trời Thi Ca Lý Thụy Ý


Tôi đi vào vùng trời thi ca của Lý Thụy Ý, vùng trời chấp nhận khổ đau nhưng vẫn phủ hồng cảnh đường trường gai góc:


Dường đi không đầy hoa/Chỉ toàn gai chờ đợi/Ta hất đầu bước tới/Gai rạp dưới bàn chân.
…Nhưng thua thắng chi nhau/Ta ủ gai trong áo/Qua một đêm giông bão / Gai bỗng nở thành hoa “

( Gai ).

Sở dĩ có được thái độ bao dung đó vì Lý đã nhìn đời bằng con mắt hiền triết chấp nhận cả hai chiều sự vật:

“ Trong tình yêu chất đắng cũng rất cần
Ta chợt hiểu thiên đường là địa ngục “
( Những Bậc Thang Bước Hụt )

Một em bé mất cha, mất mẹ, sống một mình trên vùng đất xưa là tuyến lửa. Nhưng kìa, em vẫn luồn tay qua hàng rào kẽm gai…thì ra :

“ Thôi em hiểu rồi
Tay bé cầm cành hoa nhỏ
Ô hay…tại sao hoa vẫn có thể nở được
Trên vùng đất cằn khô máu đỏ

Thì ra…
Trong địa ngục có thiên đàng”
( Bé Và Cành Hoa )

“ Bây giờ chấp nhận niềm đau
Xa nhau…để mãi còn nhau trong đời
Em về xin góp nụ cười
Vòng tay ôm trọn bóng người tình xa “

( Cho Người Tình Xa )

Dưới vùng ánh sáng nhân bản bao dung đó Lý đi sâu vào tinh lý chân không của đạo Phật:

" Tồi ba mươi lễ chùa
Hoa trắng hơn áo trắng
Thắp nén hương giao thừa
Ý kim Cương vô tận “

Có những lúc Lý đẩy tia nhìn đến tận cùng của tuyệt vọng :

" Ta nhớ trăng cổ độ
Muốn về thăm Cô Tô
Tìm không ra Phạm Lãi
Làm sao đến Ngũ Hồ “

Nhưng khách quan chỉ là chất xúc tác cho chủ quan rỡ ràng tỏ lộ :

" Ta quên trăng cổ độ
Hết thèm nắng thủy tinh
Trong nhiệm mầu có thật
Ta tìm ra chính mình “

( Những Cơn Say Không Rượu )

Quả thật nếu không có mình, vạn hữu có đó cũng bằng thừa mà thôi.
Tôi không quên nhà thơ còn là một tiểu thuyết gia nữa, bởi vậy để kết thúc xin được nhắc đến nghệ thuật kể chuyện của Lý Thụy Ý trong một bài thơ điển hình
“ Bông Hồng Mùa Xuân “ :

“ Bán tôi một bông hồng đi,cô bé
Đóa nào tươi còn búp nụ mịn màng”

Cô bé đã ngước nhìn ông khác để rồi sau đó lựa cho ông ta một bông hồng” vừa ý nghĩa vừa sang “ tượng trưng cho tình nồng thắm vô bờ.
Khi ông khách trả tiền “ cô bé “ đã không nhận, đúng với ý hướng tâm tình lãng mạn của tuổi trẻ :
“ Một đóa hoa không bao nhiêu ông ạ
Rất mong ông làm người đẹp vừa lòng”

Nhưng ông khách đã cải chính :
“ Cô bé lầm tôi không tặng người yêu
Thằng bạn thân tuần qua vừa ngã gục
Một bông hồng cho nó bớt quạnh hiu”

“ Cô bé “ vẫn cương quyết từ chối không nhận tiền :
“ Tôi cúi mặt : xin gửi người xấu số
Chuyện của ông làm tôi bỗng nghẹn ngào”

Chàng trai quân nhân đã nhận bông hồng và “ cô bé “ trông theo bóng chàng trai khuất dần :
“ Khách quay đi áo hoa rừng đã bạc
Dáng cao gầy khuất hẳn – bóng chiều nghiêng
Tôi bất chợt đưa tay làm dấu thánh
Mẹ giữ gìn cho người ấy bình yên “

Rồi lòng xuân vương vương, má cô bé thêm hồng:
“ Tôi bâng khuâng nhớ đến người khác lạ
Mình nhớ Người, Người có nhớ mình không ? “

Cho tới chiều hăm chín nhìn phố phường tấp nập từng cặp đẹp bên nhau, mắt “ cô bé “ bỗng bừng sáng, người khách lạ hôm nào đã xuất hiện bất ngờ :

“ Tim đập mạnh sau áo hàng lụa mỏng
Anh đến gần lời nói cũng reo vui
-Sao cô bé, hàng hôm nay đắt chứ
Cô nhớ tôi hay cô đã quên rồi ?!”

Chàng trai kể là vừa hành quân về đã vội qua đây ngay, mua thêm bông hồng để làm người đẹp vừa lòng.
Làm người đẹp-của chàng-vừa lòng ! Làm sao mà lòng cô không thắt lại vì khổ đau :

“ Tôi bỗng nghe như tim mình thắt lại
Gượng tìm hoa rồi trao tận tay người “

Cầm bông hồng ánh mắt chàng trai bỗng dịu đi và-thật bất ngờ-trang trọng tặng lại” cô bé “ ngày nào :

“ Một bông hồng như hôm nào cô nói
…Là tượng trưng tình nồng thắm vô bờ”

Và cô bé đã :
“ Tôi run tay nhận hoa hồng Người tặng
Sự thật rồi…mà cứ ngỡ đang mơ…”

Câu chuyện tình dễ thương kết thúc bằng những vần thơ dễ thương như vậy.
Và cũng như vậy tôi đã đi vào vùng trời thơ của Lý Thụy Ý.


Doãn Quốc Sỹ


MH. HOÀI LINH PHƯƠNG * Phương Khúc


Đỗ Duy Tuấn
Tôi đã qua tuổi mười lăm, mười bảy
Áo lụa vàng, chân sáo nhỏ đường mưa
Tôi đã hết mơ mộng nào ấp ủ
Sao gặp người….. tôi xúc động.. buồn chưa?

Có phải mắt người nồng nàn, bão nổi?
Co phải môi người nhắn gửi thiêng liêng?
Tiếng đàn người ru một đời tưởng tiếc
Cho tôi tìm về kỷ niệm bình yên

Người như chiếc gương tôi soi mình trong đó
Tôi thấy lại tôi buồn bã, ưu phiền
Sống mệt mỏi, ngu ngơ như đời lá
Lặng lẽ, bất cần, kiêu hãnh, cuồng điên

Hình như….. tôi không yêu người, người ạ!
Bởi hồn tôi lạnh ngắt tự bao giờ
Bởi trái tim tôi đâu còn thắp lửa
Đâu thể nào đốt cháy được bơ vơ

Những gì người cho như một giòng thác lũ
Rồi sẽ nhòa….. như những giấc chiêm bao
Tôi sẽ nhớ..có một lần rất khẽ
Trái tim mình lên tiếng gọi xôn xao…


MH. Hoài Linh Phương

SƯƠNG MAI * Ký Tên













 
Anh yêu, hãy nói với em
Những lời âu yếm cho mềm lòng tin


Lắng nghe nhịp đập con tim
Thay lời giải thích, sao tìm về đây?

Hãy đưa cho em bàn tay
Cho em nắm lấy kẻo mai xa rồi

Hãy cho em trọn nụ cười
Đế mai sau... lỡ cuối đời lai quên

Ký vào đây anh... ký tên
Để lời anh hứa yêu em vẫn còn


Sương Mai

ĐẶNG TIẾN * NGUỒN SÁNG VÔ MINH

Bóng Chiều Hôm là tên tập truyện đầu tay của một tác giả không còn trẻ. Nguyễn Đặng Mừng sinh 1953 tại Quảng Trị, học xong trung học vào đúng lứa tuổi bị gọi vào quân đội Sài gòn ; 1975 đi học tập cải tạo vài ba năm, thêm vài ba năm bị quản thúc làm nông nghiệp tại quê nhà ; sau đó là mười năm làm nương rẫy tại Miền Đông Nam Bộ. Đến 1990 về Sài gòn sinh nhai. Trình bày như vậy để người đọc hiểu rõ căn cơ của mười bốn truyện ngắn trong Bóng Chiều Hôm.

Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài là truyện thiếu nhi, hoàn toàn hư cấu, nhưng biết rõ ấu thời của tác giả tại Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội, thì người đọc thấm thía hơn. Gió Đầu Mùa của Thạch Lam cũng là phản ánh tuổi thơ ở phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Người ta vẫn thường nói : truyện đầu tay thường mang tự sự. Dần dần, tác giả mới tìm được khoảng cách, sử dụng trí tuệ, tưởng tượng và phần sâu kín của tâm linh, bên dưới những tình cảm lềnh dềnh, bên trên thế sự. Trường hợp của Mừng có khác : truyện đầu tay, nhưng không còn là quả chín bói.

Nguyễn Đặng Mừng bước vào văn học khi tuổi đã tra, mà người chưa kịp già, tri thiên mệnh mà đưa đành thủ phận. Là tác giả, anh chưa có sự nghiệp để hồi ký ; là con người anh không còn kiên nhẫn để tự sự.
Đấy mới là chuyện tuổi tác chưa nói đến sự đời anh đã từng trải : trước 1975 anh chưa kịp nợ nần gì với chế độ cũ để về sau 1975 phải trang trải cho chế độ mới : mười lăm năm truân chuyên là trọn nghiệp Thúy Kiều.

Do đó, truyện Nguyễn Đặng Mừng mấp mé thời gian ; nó là hiện tại chưa đành đoạn với quá khứ, chuyện riêng dàng dai dai dẳng với tình chung. Cốt truyện đơn tuyến, theo dòng thời gian, nhưng tình cảm xuôi ngược trong những xao xuyến khôn nguôi giữa dòng ý thức.
Ý thức làm bằng tình người trải dài trong lịch sử, qua bốn thập niên : thời chống Pháp 1945-1954, thời an lành tạm bợ 1954-1965, thời chiến tranh khốc liệt 1965-1975 và giai đoạn đổi đời 1975-1986. Bốn thập niên cân phân. Nhưng đặc điểm là vào giai đoạn cuối, truyện Nguyễn Đặng Mừng linh hoạt, vừa sôi nổi, vừa sâu lắng. Nó là một chứng từ xã hội và nhân đạo hiếm hoi trong văn chương Việt nam hiện nay. Truyện bày ra những ngang trái, nghịch lý, cười ra nước mắt. Nhưng đọc vẫn thoải mái vì tác giả không có dụng tâm chính trị, tuyên truyền cho một chính kiến, hay giải tỏa hờn căm.

Anh có cái dí dỏm nâng nhẹ tềnh tênh áp lực của lịch sử, và cái dịu dàng để xoáy sâu vào tình cảm con người, ở đây là con người nghèo khổ ở nông thôn. Dí dỏm và dịu dàng, nghệ thuật Nguyễn Đặng Mừng một mặt giải oan cho lịch sử trước mắt định mệnh cá thể, mặt khác hóa giải cho con người oan khuất trước tòa án cộng đồng và công luận.

Nhiều chuyện oái oăm, phơi bày những yêu cầu u tối, thầm kín trong con người. Chuyện tình dục dồn nén người phụ nữ nông thôn chẳng hạn, thì ở đâu, thời nào cũng có. Nhưng ở địa phương này, trong thời điểm này, đám cháy của lịch sử bất ngờ soi sáng. Giọng kể Nguyễn Đặng Mừng hấp dẫn vì ranh mãnh, nhưng không gợi dục, mà còn biện minh cho con người, chủ yếu là phụ nữ, qua những quan hệ tính dục mấp mé ở men bờ đạo lý.

Mô tả những nghịch cảnh, ngòi bút Nguyễn Đặng Mừng chứng tỏ lòng nhân ái đã vượt khỏi những thành kiến xã hội. Có lẽ nhờ hai lý do : tác giả có tâm hồn tài tử, đi qua cuộc đời như lữ khách ; mặt khác anh đã tạo được khoảng cách, độ lùi để nhìn lại những nghịch cảnh đã vượt qua, mà anh là nạn nhân. Thúy Kiều mười lăm năm lưu lạc mới đến Tiền Đường ; Nguyễn Đặng Mừng phải đợi thêm mười lăm năm nữa mới viết văn, khi những oan trái đã phôi pha. Nhưng không phải vì thế mà tâm cảnh nhạt phai.

Truyện Nguyễn Đặng Mừng ngồn ngộn cuộc sống, ngổn ngang hiện thực, nhưng không thù hận, cay chua. Thường thường kết thúc có hậu, không phải vì thủ thuật hay ước lệ, mà vì tâm đạo của tác giả như vậy, đã tạo nên những nhân vật như vậy, con người thủy chung. Không nhất thiết chung thủy với ai đó, mà chung thủy với bản thân, với cái gì đó vô danh trong tiềm thức.
Truyện Nguyễn Đặng Mừng chung quy là chuyện những con người tìm một lối về. Chị Thuyết trở về một nấm đất trên Đồi Ma, cô Nhan Về Làngđể đắm thân hình trong một ruộng khoai ngập nước. Ông cụ Hoan sáu mươi tuổi ở nước ngoài cũng tìm về với ao sen thơ ấu.
Truyện Nguyễn Đặng Mừng là chuyện tình, có tình yêu mà không có tình nhân. Tình yêu có khi có đối tượng nhưng chưa kịp thành đối tác ; đôi khi đối tượng chưa thành nhân diện trong ý thức mà vẫn rạo rực trong từng thớ thịt. Do đó, tình yêu, hiểu theo nghĩa hẹp, lẫn lộn mơ hồ trong tình chú cháu, chị em, dòng họ, như ngọn lửa ma trơi chờn vờn giữa loạn luân và đạo nghĩa.

Mỗi xã hội có khái niệm loạn luân riêng, ở đây chúng tôi dùng theo nghĩa rộng, trong đó, có khi đạo nghĩa dẫn đến loạn luân, nghịch lý mà Nguyễn Đặng Mừng đã nêu lên được nhờ một tiềm năng sáng tạo nào đó – mà có lẽ chính anh cũng không ý thức – đừng nói gì đến giải thích. Chức năng sáng tạo nghệ thuật trong con người là một nguồn sáng vô minh – như ngọn đèn Khương Linh Tá một đêm Sơn Hậu.

Văn chương Nguyễn Đặng Mừng hiện thực, chân thực, ngay thẳng, thành hình được là nhờ có trào lưu Đổi mới từ 1986. Trào lưu này, ngay thời kỳ đầu, đã có những thành tựu nhất định về truyện ngắn. Vậy cũng nên đặt Bóng Chiều Hôm vào khung cảnh đương đại. Cùng phê phán những mặt tiêu cực của xã hội trong giai đoạn đổi đời, Nguyễn Đặng Mừng không thâm trầm như Nguyễn huy Thiệp mà có người cho là tàn nhẫn ; cũng không có nét sắc sảo của Nguyễn Ngọc Tư mà có người cho cường điệu. Nhưng anh thật thà phản ánh được thời sự của Miền Nam trong thời điểm gọi là cải tạo, với những truân chuyên, bất công và phi lý, và phản ánh với tầm nhìn thông cảm, độ lượng. Với rất nhiều tinh anh giọt thêm một giọt tinh ranh. Đặc tính của Bóng Chiều Hôm là lối kể thuyện Miền Nam linh động dựa trên nhân đạo, tóm lại trong mấy chữ : điệu nghệ và đạo nghĩa.

Truyện Nguyễn Đặng Mừng là chút nghĩa cũ càng, dưới một phong cách trẻ và mới.
Đặng Tiến 

Saturday, November 19, 2011

BÙI GIÁNG * Ði Vào Cõi Thơ Tuệ Sỹ

Tuệ Sỹ

Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u.... Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông :

Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi

Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết :

PHAN BÁ THUỴ DƯƠNG ◘◘ Wilbert Rideau : Kẻ Tử Tội Tất Học Trở Thành Một Cây Bút Lừng Danh


“Tương lai mỗi tội nhân là một vị thánh.
Quá khứ mỗi vị thánh là một tội nhân.” Saint Augustine 
Wilbert Rideau


Không phải kẻ nào mang án tử hình cũng hoàn toàn tuyệt vọng, mất đi niềm tin về sự sống còn của mình. Thảm trạng cùng nhục cảnh tù đày nhiều lúc lại là môi trường, cơ hội tốt để con người có thể phát huy, ghi lại những suy tư, những khổ ải, gian truân mà họ đã kinh qua, chiêm nghiệm… Tác phẩm của những kẻ khổ nạn này thường được người đọc ưu ái đón nhận và nhiều khi được xem, liệt vào hàng kiệt tác trong các lãnh vực báo chí, văn học, chính trị…