Bóng Chiều Hôm là tên tập truyện đầu tay của một tác giả không còn trẻ. Nguyễn Đặng Mừng sinh 1953 tại Quảng Trị, học xong trung học vào đúng lứa tuổi bị gọi vào quân đội Sài gòn ; 1975 đi học tập cải tạo vài ba năm, thêm vài ba năm bị quản thúc làm nông nghiệp tại quê nhà ; sau đó là mười năm làm nương rẫy tại Miền Đông Nam Bộ. Đến 1990 về Sài gòn sinh nhai. Trình bày như vậy để người đọc hiểu rõ căn cơ của mười bốn truyện ngắn trong Bóng Chiều Hôm.
Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài là truyện thiếu nhi, hoàn toàn hư cấu, nhưng biết rõ ấu thời của tác giả tại Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội, thì người đọc thấm thía hơn. Gió Đầu Mùa của Thạch Lam cũng là phản ánh tuổi thơ ở phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Người ta vẫn thường nói : truyện đầu tay thường mang tự sự. Dần dần, tác giả mới tìm được khoảng cách, sử dụng trí tuệ, tưởng tượng và phần sâu kín của tâm linh, bên dưới những tình cảm lềnh dềnh, bên trên thế sự. Trường hợp của Mừng có khác : truyện đầu tay, nhưng không còn là quả chín bói.
Nguyễn Đặng Mừng bước vào văn học khi tuổi đã tra, mà người chưa kịp già, tri thiên mệnh mà đưa đành thủ phận. Là tác giả, anh chưa có sự nghiệp để hồi ký ; là con người anh không còn kiên nhẫn để tự sự.
Đấy mới là chuyện tuổi tác chưa nói đến sự đời anh đã từng trải : trước 1975 anh chưa kịp nợ nần gì với chế độ cũ để về sau 1975 phải trang trải cho chế độ mới : mười lăm năm truân chuyên là trọn nghiệp Thúy Kiều.
Do đó, truyện Nguyễn Đặng Mừng mấp mé thời gian ; nó là hiện tại chưa đành đoạn với quá khứ, chuyện riêng dàng dai dai dẳng với tình chung. Cốt truyện đơn tuyến, theo dòng thời gian, nhưng tình cảm xuôi ngược trong những xao xuyến khôn nguôi giữa dòng ý thức.
Ý thức làm bằng tình người trải dài trong lịch sử, qua bốn thập niên : thời chống Pháp 1945-1954, thời an lành tạm bợ 1954-1965, thời chiến tranh khốc liệt 1965-1975 và giai đoạn đổi đời 1975-1986. Bốn thập niên cân phân. Nhưng đặc điểm là vào giai đoạn cuối, truyện Nguyễn Đặng Mừng linh hoạt, vừa sôi nổi, vừa sâu lắng. Nó là một chứng từ xã hội và nhân đạo hiếm hoi trong văn chương Việt nam hiện nay. Truyện bày ra những ngang trái, nghịch lý, cười ra nước mắt. Nhưng đọc vẫn thoải mái vì tác giả không có dụng tâm chính trị, tuyên truyền cho một chính kiến, hay giải tỏa hờn căm.
Anh có cái dí dỏm nâng nhẹ tềnh tênh áp lực của lịch sử, và cái dịu dàng để xoáy sâu vào tình cảm con người, ở đây là con người nghèo khổ ở nông thôn. Dí dỏm và dịu dàng, nghệ thuật Nguyễn Đặng Mừng một mặt giải oan cho lịch sử trước mắt định mệnh cá thể, mặt khác hóa giải cho con người oan khuất trước tòa án cộng đồng và công luận.
Nhiều chuyện oái oăm, phơi bày những yêu cầu u tối, thầm kín trong con người. Chuyện tình dục dồn nén người phụ nữ nông thôn chẳng hạn, thì ở đâu, thời nào cũng có. Nhưng ở địa phương này, trong thời điểm này, đám cháy của lịch sử bất ngờ soi sáng. Giọng kể Nguyễn Đặng Mừng hấp dẫn vì ranh mãnh, nhưng không gợi dục, mà còn biện minh cho con người, chủ yếu là phụ nữ, qua những quan hệ tính dục mấp mé ở men bờ đạo lý.
Mô tả những nghịch cảnh, ngòi bút Nguyễn Đặng Mừng chứng tỏ lòng nhân ái đã vượt khỏi những thành kiến xã hội. Có lẽ nhờ hai lý do : tác giả có tâm hồn tài tử, đi qua cuộc đời như lữ khách ; mặt khác anh đã tạo được khoảng cách, độ lùi để nhìn lại những nghịch cảnh đã vượt qua, mà anh là nạn nhân. Thúy Kiều mười lăm năm lưu lạc mới đến Tiền Đường ; Nguyễn Đặng Mừng phải đợi thêm mười lăm năm nữa mới viết văn, khi những oan trái đã phôi pha. Nhưng không phải vì thế mà tâm cảnh nhạt phai.
Truyện Nguyễn Đặng Mừng ngồn ngộn cuộc sống, ngổn ngang hiện thực, nhưng không thù hận, cay chua. Thường thường kết thúc có hậu, không phải vì thủ thuật hay ước lệ, mà vì tâm đạo của tác giả như vậy, đã tạo nên những nhân vật như vậy, con người thủy chung. Không nhất thiết chung thủy với ai đó, mà chung thủy với bản thân, với cái gì đó vô danh trong tiềm thức.
Truyện Nguyễn Đặng Mừng chung quy là chuyện những con người tìm một lối về. Chị Thuyết trở về một nấm đất trên Đồi Ma, cô Nhan Về Làngđể đắm thân hình trong một ruộng khoai ngập nước. Ông cụ Hoan sáu mươi tuổi ở nước ngoài cũng tìm về với ao sen thơ ấu.
Truyện Nguyễn Đặng Mừng là chuyện tình, có tình yêu mà không có tình nhân. Tình yêu có khi có đối tượng nhưng chưa kịp thành đối tác ; đôi khi đối tượng chưa thành nhân diện trong ý thức mà vẫn rạo rực trong từng thớ thịt. Do đó, tình yêu, hiểu theo nghĩa hẹp, lẫn lộn mơ hồ trong tình chú cháu, chị em, dòng họ, như ngọn lửa ma trơi chờn vờn giữa loạn luân và đạo nghĩa.
Mỗi xã hội có khái niệm loạn luân riêng, ở đây chúng tôi dùng theo nghĩa rộng, trong đó, có khi đạo nghĩa dẫn đến loạn luân, nghịch lý mà Nguyễn Đặng Mừng đã nêu lên được nhờ một tiềm năng sáng tạo nào đó – mà có lẽ chính anh cũng không ý thức – đừng nói gì đến giải thích. Chức năng sáng tạo nghệ thuật trong con người là một nguồn sáng vô minh – như ngọn đèn Khương Linh Tá một đêm Sơn Hậu.
Văn chương Nguyễn Đặng Mừng hiện thực, chân thực, ngay thẳng, thành hình được là nhờ có trào lưu Đổi mới từ 1986. Trào lưu này, ngay thời kỳ đầu, đã có những thành tựu nhất định về truyện ngắn. Vậy cũng nên đặt Bóng Chiều Hôm vào khung cảnh đương đại. Cùng phê phán những mặt tiêu cực của xã hội trong giai đoạn đổi đời, Nguyễn Đặng Mừng không thâm trầm như Nguyễn huy Thiệp mà có người cho là tàn nhẫn ; cũng không có nét sắc sảo của Nguyễn Ngọc Tư mà có người cho cường điệu. Nhưng anh thật thà phản ánh được thời sự của Miền Nam trong thời điểm gọi là cải tạo, với những truân chuyên, bất công và phi lý, và phản ánh với tầm nhìn thông cảm, độ lượng. Với rất nhiều tinh anh giọt thêm một giọt tinh ranh. Đặc tính của Bóng Chiều Hôm là lối kể thuyện Miền Nam linh động dựa trên nhân đạo, tóm lại trong mấy chữ : điệu nghệ và đạo nghĩa.
Truyện Nguyễn Đặng Mừng là chút nghĩa cũ càng, dưới một phong cách trẻ và mới.