Monday, November 21, 2011

TUỆ SỸ * Thuyền Ngược Bến Không

Tuệ Sỹ

Dưới hiên mưa vắng hồn khua nước
Thả chiếc thuyền con ngược bến không
(Thơ Viên Linh, Thủy mộ quan)

Tôi sinh ra thì thế chiến II đang hồi kết thúc. Lớn lên chút nữa, khi biết nghe và hiểu, những chuyện vãn người lớn về việc đánh nhau đâu đó, lúc nào đó, bao giờ cũng hấp dẫn như chuyện cổ tích. Mà hình như đó lại là những chuyện mà tuổi con nít của tôi được nghe nhiều hơn là chuyện cổ tích. Trong gia đình tôi, thỉnh thoảng thấy vắng đi một người lớn. Rồi lại nghe những câu chuyện thì thầm. Mấy chú, mấy anh lớn, đã từng ẳm bồng tôi, bỗng chốc họ trở thành nhân vật trong truyện cổ tích. Cách mà người lớn kể chuyện, lại làm cho không khí của chuyện cổ tích ấy càng trở thành huyền bí.

Cho đến khi lai rai đọc được tiếng nước ngoài, chuyện kể về chiến tranh bỗng thành hoài niệm; hay chỉ hình như là hoài niệm thôi, vì đấy là quá khứ mà mình không thấy, không nghe. Có điều, hoài niệm ấy không làm sao mờ đi được. Vì nó đã trộn lẫn quá khứ với hiện tại. Quá khứ ấy, khi chợt biết, nó đã có quá nhiều mất mát. Vì những người đã đi, chưa thấy ai trở lại. Rồi cả những người cùng trang lứa cũng lần lượt ra đi. Mình thì may mắn được ở lại. Nhìn quanh, bảng đen, lớp học, sân trường. Sự sống vẫn băng băng lôi người đi tới, với những cạnh tranh vất vả.

Chiến tranh, thù hận, và đâu đó, từ sâu thẳm của khát khao, tình yêu và sự chết là nỗi ám ảnh, và như chất liệu cho ý thức sinh tồn. Có một cõi thi ca riêng biệt như vậy. Dành cho những tâm hồn nhạy cảm. Nhìn con chim giãy chết trong tranh mà ngơ ngẩn, bàng hoàng. Nhưng ngôn ngữ của nó cũng biến hình. Tình yêu, thất vọng, đam mê, như những con sóng nồng nhiệt trên mặt nước, mà dưới đáy sâu ai biết ẩn chứa những gì.

Nước xa cuồn cuộn ra khơi
Sâu trong tâm thể có đôi giọt gần
(Dư tập, Thủy mộ quan)

Những câu thơ như vậy thật hiếm hoi cho một đời bận rộn. Không bận rộn sao được, khi quanh mình những bạn bèn trang lứa lần lượt ra đi. Một số người vượt suối, vô rừng. Đi theo tiếng gọi của hận thù, máu lửa, trong trái tim đang bốc cháy bởi chủ nghĩa anh hùng. Để lại cho thành phố khúc hát “Người đã đi, đi trên non cao…” Một số khác ra đi, để lại tiếng khóc nghẹn ngào, điên loạn: “Ngày mai đi nhận xác chồng. Say đi để thấy mình không là mình.” Tình yêu, thù hận, bỗng trở thành mâu thuẫn biện chứng.

Mấy chục năm sau, một thế hệ đang lớn, như nắng trưa xích đạo che lu ánh đuốc quá khứ lập lòe của mình; thỉnh thoảng tôi đi tìm lại một vài câu thơ đâu đó, mà cũng không dễ gì tìm được, để cho hoài niệm quay lại một thời, trong đó mình đã sống, đã suy nghĩ, ưu phiền, và cả đến những dại dột ngông cuồng của tuổi trẻ. Trong tình trạng mà người cũ lánh xa, vì hiểm nguy rình rập mơ hồ, thì chuyện biển rộng sông dài chỉ có trong tranh, và trong trí nhớ. Lại vẫn điệp khúc hoài niệm bâng quơ.

Tôi không đoán được bạn trẻ yêu thơ ngày nay, nếu tình cờ đọc được bốn câu thơ dưới đây sẽ gợi lên ấn tượng gì.

Nhưng người đã sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, mà tình yêu và thù hận là những xung đột, khắc khoải trong lòng, những câu thơ ấy gợi nhớ một thời, hay đúng hơn là một ấn tượng, có thể thoáng qua chốc lát:

Chiều về trên một nhánh sông
Bên tôi con nước đỏ lòng quanh co
Nước loang dưới đáy trời dò
Buồn tôi thánh thót trên lò nhân sinh
(Một Nhánh Sông, Dư Tập, Thủy Mộ Quan)

Đó là một chút hơi thở tàn sinh, như bóng nắng là đà trên mặt nước, không có những trầm mặc thăm thẳm trong lòng đại dương. Một nhúm cỏ xanh nhởn nhơ trên cánh đồng khô cháy. Nhưng ai có thể phê bình nhúm cỏ vô tình? Ấn tượng của một người đọc thơ từ trong hủy diệt bạo tàn của chiến tranh là như thế.

Rồi đất nước hòa bình, dân tộc đang trở mình từ trong khói lửa, để cho hận thù hóa thân thành tình yêu. Và cũng là lúc bắt đầu một thế hệ cầm bút bị khước từ. Vì đã không thể nhận thức tình yêu theo định nghĩa của biện chứng. Trong đó, tình yêu chỉ có thể trưởng thành bằng hận thù và hủy diệt. “Máu của người đem lại tình thương.”

Ngồi trên đỉnh đồi Trại thủy, giữa thành phố Nha trang, nhìn xuống bên dưới, từ trong làng kéo ra một đoàn thiếu nhi Tiểu học, hô vang khẩu hiệu chào mừng cách mạng, đả đảo văn hóa giáo dục phản động, đồi trụy. Tôi biết mình đang bị chối bỏ. Và bị chối bỏ thật. Từ chỗ là thành phần ăn bám, rồi trở thành phần tử nguy hiểm, và được liệt xuống hàng cặn bã xã hội, tạm tha tội chết để được ân huệ khoan hồng sống hết kiếp sống thừa. Lại một lần nữa, những người cũ của tôi theo nhau lần lượt ra đi. Thời chiến tranh, một lớp bạn lên rừng. Thời hòa bình, một lớp bạn xuống biển. Dân tộc chợt quay trở lại với huyền thoại mở nước. Những người con theo Mẹ, đã có lúc khinh ghét anh em mình, bỏ lên rừng. Một thời gian sau, những người con theo Mẹ lên rừng nay quay trở về đô thị. Lại những người anh em khác sợ hãi, vội bỏ trốn theo, tìm về biển:

Vua gặp Âu Cơ lúc thủy du
Cùng nàng rung động nước thiên thu
Duyên tan nàng bắt con về núi
Những đứa theo cha khổ đến giờ
(Thủy Mộ Quan)

Ba chục năm, một nửa theo Cha, một nữa theo Mẹ. Nhưng huyền thoại của nhà thơ này vẫn còn quên một số anh em trở thành côi cút. Cha thì ở đâu không thấy, mà tự thân thì bị ruồng rẫy bởi chính anh em mình ngay trên đất Mẹ. Không Cha, cũng không Mẹ, ta đi tìm dấu tích Trường sơn, “Quê người trên đỉnh Trường sơn. Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu.” (Thơ Tuệ Sỹ).


Tôi không nói đến hận thù. Nhưng một nỗi oan khiên nào đó, khiến cho lời nói của mình như trong cơn mê sảng. Bạn cũ ở quanh đây thôi, vẫn gần như những ngày nào, một thời buồn vui. Có lẽ bạn cũ ngại ngùng, ngại nghe những điều được giả thiết là tôi sẽ nói. Thật sự, tôi chẳng được phép nói gì cả. Vẫn được chỉ định phải đứng bên lề xã hội đang hội nhập văn minh. Còn những bạn khác, hãy gọi là cố nhân, bấy giờ mỗi kẻ một phương trời. Tôi chẳng biết họ đang làm gì, đang nghĩ gì. Mỗi người một phong cách, trong một thế giới mở rộng, đa văn hóa. Tôi nghe nói như vậy.

Dù ở phương này hay phương kia, dù có hay không có hai trận tuyến văn chương cùng chung loại hình ngôn ngữ của Mẹ, vẫn còn hàng vạn nắm xương dưới lòng biển:

Lưu vực điêu tàn ở Biển Đông
Xương bầy như thú cháy rừng hoang
Nhưng rừng không cháy nào đâu thú
Người chết thân chìm Thủy Mộ Quan.
(Viên Linh, Thủy mộ quan)

Hận thù có thể xóa được dễ dàng thôi, nhưng u uẩn của những hồn oan đáy biển vẫn ám ảnh tâm tư. Người sỗng vẫn mang mãi ân tình của người đã chết, dù trên rừng hay dưới biển, vì oan nghiệt riêng tư hay vì tình chung dân tộc. Xưa Nguyễn Du đã làm “Văn tế thập loại chúng sinh”; không chỉ là món nợ văn chương cho người đã chết, mà đó còn là tình tự thiết tha từ cõi chết vọng về. Tôi đọc bài “Gọi hồn” trong Thủy mộ quan cũng với tâm trạng tương tợ:

Trên Huyết Hải thuyền trồi về một chiếc
Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương.

(…)

Trong rêu xanh ngân ngật bóng sơn hà
Lướt hải phận về dưới trời cố quốc.

(…)

Bài thơ không mang tiết nhịp gây cảm xúc bàng hoàng tức khắc, nhưng những ấn tượng rải rác trong cả tập Thủy mộ quan làm cho bài thơ phảng phất nỗi kinh sợ, rùng mình:

Trinh nữ trầm oan nổi giữa dòng
Thân băng ngàn hải lý về sông
Xung quanh không một người than khóc
Chỉ cá trùng dương theo hộ tang.

Dù sao thì đất nước cũng đang hồi sinh. Những người ra đi, lần lượt kéo nhau về. Ấy thế, hờn giận giữa anh em vẫn còn là vết thương nhức nhối. Văn chương bây giờ vẫn là một lựa chọn, hoặc một nhân cách. Thi ngôn chí. Thiên cổ văn chương thiên địa tâm. Trong tận đáy sâu tâm khảm, mỗi nhà thơ vẫn chung một tình tự nghìn đời, dù biểu hiện có hận thù cay nghiệt. Tôi mong được như lời Viên Linh nói:

Sinh ở đâu mà giạt bốn phương
Trăm con cười nói tiếng trăm giòng
Ngày mai nếu trở về quê cũ
Hy vọng ta còn tiếng khóc chung.

Tuệ Sỹ

DOÃN QUỐC SỸ * Vùng Trời Thi Ca Lý Thụy Ý


Tôi đi vào vùng trời thi ca của Lý Thụy Ý, vùng trời chấp nhận khổ đau nhưng vẫn phủ hồng cảnh đường trường gai góc:


Dường đi không đầy hoa/Chỉ toàn gai chờ đợi/Ta hất đầu bước tới/Gai rạp dưới bàn chân.
…Nhưng thua thắng chi nhau/Ta ủ gai trong áo/Qua một đêm giông bão / Gai bỗng nở thành hoa “

( Gai ).

Sở dĩ có được thái độ bao dung đó vì Lý đã nhìn đời bằng con mắt hiền triết chấp nhận cả hai chiều sự vật:

“ Trong tình yêu chất đắng cũng rất cần
Ta chợt hiểu thiên đường là địa ngục “
( Những Bậc Thang Bước Hụt )

Một em bé mất cha, mất mẹ, sống một mình trên vùng đất xưa là tuyến lửa. Nhưng kìa, em vẫn luồn tay qua hàng rào kẽm gai…thì ra :

“ Thôi em hiểu rồi
Tay bé cầm cành hoa nhỏ
Ô hay…tại sao hoa vẫn có thể nở được
Trên vùng đất cằn khô máu đỏ

Thì ra…
Trong địa ngục có thiên đàng”
( Bé Và Cành Hoa )

“ Bây giờ chấp nhận niềm đau
Xa nhau…để mãi còn nhau trong đời
Em về xin góp nụ cười
Vòng tay ôm trọn bóng người tình xa “

( Cho Người Tình Xa )

Dưới vùng ánh sáng nhân bản bao dung đó Lý đi sâu vào tinh lý chân không của đạo Phật:

" Tồi ba mươi lễ chùa
Hoa trắng hơn áo trắng
Thắp nén hương giao thừa
Ý kim Cương vô tận “

Có những lúc Lý đẩy tia nhìn đến tận cùng của tuyệt vọng :

" Ta nhớ trăng cổ độ
Muốn về thăm Cô Tô
Tìm không ra Phạm Lãi
Làm sao đến Ngũ Hồ “

Nhưng khách quan chỉ là chất xúc tác cho chủ quan rỡ ràng tỏ lộ :

" Ta quên trăng cổ độ
Hết thèm nắng thủy tinh
Trong nhiệm mầu có thật
Ta tìm ra chính mình “

( Những Cơn Say Không Rượu )

Quả thật nếu không có mình, vạn hữu có đó cũng bằng thừa mà thôi.
Tôi không quên nhà thơ còn là một tiểu thuyết gia nữa, bởi vậy để kết thúc xin được nhắc đến nghệ thuật kể chuyện của Lý Thụy Ý trong một bài thơ điển hình
“ Bông Hồng Mùa Xuân “ :

“ Bán tôi một bông hồng đi,cô bé
Đóa nào tươi còn búp nụ mịn màng”

Cô bé đã ngước nhìn ông khác để rồi sau đó lựa cho ông ta một bông hồng” vừa ý nghĩa vừa sang “ tượng trưng cho tình nồng thắm vô bờ.
Khi ông khách trả tiền “ cô bé “ đã không nhận, đúng với ý hướng tâm tình lãng mạn của tuổi trẻ :
“ Một đóa hoa không bao nhiêu ông ạ
Rất mong ông làm người đẹp vừa lòng”

Nhưng ông khách đã cải chính :
“ Cô bé lầm tôi không tặng người yêu
Thằng bạn thân tuần qua vừa ngã gục
Một bông hồng cho nó bớt quạnh hiu”

“ Cô bé “ vẫn cương quyết từ chối không nhận tiền :
“ Tôi cúi mặt : xin gửi người xấu số
Chuyện của ông làm tôi bỗng nghẹn ngào”

Chàng trai quân nhân đã nhận bông hồng và “ cô bé “ trông theo bóng chàng trai khuất dần :
“ Khách quay đi áo hoa rừng đã bạc
Dáng cao gầy khuất hẳn – bóng chiều nghiêng
Tôi bất chợt đưa tay làm dấu thánh
Mẹ giữ gìn cho người ấy bình yên “

Rồi lòng xuân vương vương, má cô bé thêm hồng:
“ Tôi bâng khuâng nhớ đến người khác lạ
Mình nhớ Người, Người có nhớ mình không ? “

Cho tới chiều hăm chín nhìn phố phường tấp nập từng cặp đẹp bên nhau, mắt “ cô bé “ bỗng bừng sáng, người khách lạ hôm nào đã xuất hiện bất ngờ :

“ Tim đập mạnh sau áo hàng lụa mỏng
Anh đến gần lời nói cũng reo vui
-Sao cô bé, hàng hôm nay đắt chứ
Cô nhớ tôi hay cô đã quên rồi ?!”

Chàng trai kể là vừa hành quân về đã vội qua đây ngay, mua thêm bông hồng để làm người đẹp vừa lòng.
Làm người đẹp-của chàng-vừa lòng ! Làm sao mà lòng cô không thắt lại vì khổ đau :

“ Tôi bỗng nghe như tim mình thắt lại
Gượng tìm hoa rồi trao tận tay người “

Cầm bông hồng ánh mắt chàng trai bỗng dịu đi và-thật bất ngờ-trang trọng tặng lại” cô bé “ ngày nào :

“ Một bông hồng như hôm nào cô nói
…Là tượng trưng tình nồng thắm vô bờ”

Và cô bé đã :
“ Tôi run tay nhận hoa hồng Người tặng
Sự thật rồi…mà cứ ngỡ đang mơ…”

Câu chuyện tình dễ thương kết thúc bằng những vần thơ dễ thương như vậy.
Và cũng như vậy tôi đã đi vào vùng trời thơ của Lý Thụy Ý.


Doãn Quốc Sỹ


MH. HOÀI LINH PHƯƠNG * Phương Khúc


Đỗ Duy Tuấn
Tôi đã qua tuổi mười lăm, mười bảy
Áo lụa vàng, chân sáo nhỏ đường mưa
Tôi đã hết mơ mộng nào ấp ủ
Sao gặp người….. tôi xúc động.. buồn chưa?

Có phải mắt người nồng nàn, bão nổi?
Co phải môi người nhắn gửi thiêng liêng?
Tiếng đàn người ru một đời tưởng tiếc
Cho tôi tìm về kỷ niệm bình yên

Người như chiếc gương tôi soi mình trong đó
Tôi thấy lại tôi buồn bã, ưu phiền
Sống mệt mỏi, ngu ngơ như đời lá
Lặng lẽ, bất cần, kiêu hãnh, cuồng điên

Hình như….. tôi không yêu người, người ạ!
Bởi hồn tôi lạnh ngắt tự bao giờ
Bởi trái tim tôi đâu còn thắp lửa
Đâu thể nào đốt cháy được bơ vơ

Những gì người cho như một giòng thác lũ
Rồi sẽ nhòa….. như những giấc chiêm bao
Tôi sẽ nhớ..có một lần rất khẽ
Trái tim mình lên tiếng gọi xôn xao…


MH. Hoài Linh Phương

SƯƠNG MAI * Ký Tên













 
Anh yêu, hãy nói với em
Những lời âu yếm cho mềm lòng tin


Lắng nghe nhịp đập con tim
Thay lời giải thích, sao tìm về đây?

Hãy đưa cho em bàn tay
Cho em nắm lấy kẻo mai xa rồi

Hãy cho em trọn nụ cười
Đế mai sau... lỡ cuối đời lai quên

Ký vào đây anh... ký tên
Để lời anh hứa yêu em vẫn còn


Sương Mai

ĐẶNG TIẾN * NGUỒN SÁNG VÔ MINH

Bóng Chiều Hôm là tên tập truyện đầu tay của một tác giả không còn trẻ. Nguyễn Đặng Mừng sinh 1953 tại Quảng Trị, học xong trung học vào đúng lứa tuổi bị gọi vào quân đội Sài gòn ; 1975 đi học tập cải tạo vài ba năm, thêm vài ba năm bị quản thúc làm nông nghiệp tại quê nhà ; sau đó là mười năm làm nương rẫy tại Miền Đông Nam Bộ. Đến 1990 về Sài gòn sinh nhai. Trình bày như vậy để người đọc hiểu rõ căn cơ của mười bốn truyện ngắn trong Bóng Chiều Hôm.

Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài là truyện thiếu nhi, hoàn toàn hư cấu, nhưng biết rõ ấu thời của tác giả tại Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội, thì người đọc thấm thía hơn. Gió Đầu Mùa của Thạch Lam cũng là phản ánh tuổi thơ ở phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Người ta vẫn thường nói : truyện đầu tay thường mang tự sự. Dần dần, tác giả mới tìm được khoảng cách, sử dụng trí tuệ, tưởng tượng và phần sâu kín của tâm linh, bên dưới những tình cảm lềnh dềnh, bên trên thế sự. Trường hợp của Mừng có khác : truyện đầu tay, nhưng không còn là quả chín bói.

Nguyễn Đặng Mừng bước vào văn học khi tuổi đã tra, mà người chưa kịp già, tri thiên mệnh mà đưa đành thủ phận. Là tác giả, anh chưa có sự nghiệp để hồi ký ; là con người anh không còn kiên nhẫn để tự sự.
Đấy mới là chuyện tuổi tác chưa nói đến sự đời anh đã từng trải : trước 1975 anh chưa kịp nợ nần gì với chế độ cũ để về sau 1975 phải trang trải cho chế độ mới : mười lăm năm truân chuyên là trọn nghiệp Thúy Kiều.

Do đó, truyện Nguyễn Đặng Mừng mấp mé thời gian ; nó là hiện tại chưa đành đoạn với quá khứ, chuyện riêng dàng dai dai dẳng với tình chung. Cốt truyện đơn tuyến, theo dòng thời gian, nhưng tình cảm xuôi ngược trong những xao xuyến khôn nguôi giữa dòng ý thức.
Ý thức làm bằng tình người trải dài trong lịch sử, qua bốn thập niên : thời chống Pháp 1945-1954, thời an lành tạm bợ 1954-1965, thời chiến tranh khốc liệt 1965-1975 và giai đoạn đổi đời 1975-1986. Bốn thập niên cân phân. Nhưng đặc điểm là vào giai đoạn cuối, truyện Nguyễn Đặng Mừng linh hoạt, vừa sôi nổi, vừa sâu lắng. Nó là một chứng từ xã hội và nhân đạo hiếm hoi trong văn chương Việt nam hiện nay. Truyện bày ra những ngang trái, nghịch lý, cười ra nước mắt. Nhưng đọc vẫn thoải mái vì tác giả không có dụng tâm chính trị, tuyên truyền cho một chính kiến, hay giải tỏa hờn căm.

Anh có cái dí dỏm nâng nhẹ tềnh tênh áp lực của lịch sử, và cái dịu dàng để xoáy sâu vào tình cảm con người, ở đây là con người nghèo khổ ở nông thôn. Dí dỏm và dịu dàng, nghệ thuật Nguyễn Đặng Mừng một mặt giải oan cho lịch sử trước mắt định mệnh cá thể, mặt khác hóa giải cho con người oan khuất trước tòa án cộng đồng và công luận.

Nhiều chuyện oái oăm, phơi bày những yêu cầu u tối, thầm kín trong con người. Chuyện tình dục dồn nén người phụ nữ nông thôn chẳng hạn, thì ở đâu, thời nào cũng có. Nhưng ở địa phương này, trong thời điểm này, đám cháy của lịch sử bất ngờ soi sáng. Giọng kể Nguyễn Đặng Mừng hấp dẫn vì ranh mãnh, nhưng không gợi dục, mà còn biện minh cho con người, chủ yếu là phụ nữ, qua những quan hệ tính dục mấp mé ở men bờ đạo lý.

Mô tả những nghịch cảnh, ngòi bút Nguyễn Đặng Mừng chứng tỏ lòng nhân ái đã vượt khỏi những thành kiến xã hội. Có lẽ nhờ hai lý do : tác giả có tâm hồn tài tử, đi qua cuộc đời như lữ khách ; mặt khác anh đã tạo được khoảng cách, độ lùi để nhìn lại những nghịch cảnh đã vượt qua, mà anh là nạn nhân. Thúy Kiều mười lăm năm lưu lạc mới đến Tiền Đường ; Nguyễn Đặng Mừng phải đợi thêm mười lăm năm nữa mới viết văn, khi những oan trái đã phôi pha. Nhưng không phải vì thế mà tâm cảnh nhạt phai.

Truyện Nguyễn Đặng Mừng ngồn ngộn cuộc sống, ngổn ngang hiện thực, nhưng không thù hận, cay chua. Thường thường kết thúc có hậu, không phải vì thủ thuật hay ước lệ, mà vì tâm đạo của tác giả như vậy, đã tạo nên những nhân vật như vậy, con người thủy chung. Không nhất thiết chung thủy với ai đó, mà chung thủy với bản thân, với cái gì đó vô danh trong tiềm thức.
Truyện Nguyễn Đặng Mừng chung quy là chuyện những con người tìm một lối về. Chị Thuyết trở về một nấm đất trên Đồi Ma, cô Nhan Về Làngđể đắm thân hình trong một ruộng khoai ngập nước. Ông cụ Hoan sáu mươi tuổi ở nước ngoài cũng tìm về với ao sen thơ ấu.
Truyện Nguyễn Đặng Mừng là chuyện tình, có tình yêu mà không có tình nhân. Tình yêu có khi có đối tượng nhưng chưa kịp thành đối tác ; đôi khi đối tượng chưa thành nhân diện trong ý thức mà vẫn rạo rực trong từng thớ thịt. Do đó, tình yêu, hiểu theo nghĩa hẹp, lẫn lộn mơ hồ trong tình chú cháu, chị em, dòng họ, như ngọn lửa ma trơi chờn vờn giữa loạn luân và đạo nghĩa.

Mỗi xã hội có khái niệm loạn luân riêng, ở đây chúng tôi dùng theo nghĩa rộng, trong đó, có khi đạo nghĩa dẫn đến loạn luân, nghịch lý mà Nguyễn Đặng Mừng đã nêu lên được nhờ một tiềm năng sáng tạo nào đó – mà có lẽ chính anh cũng không ý thức – đừng nói gì đến giải thích. Chức năng sáng tạo nghệ thuật trong con người là một nguồn sáng vô minh – như ngọn đèn Khương Linh Tá một đêm Sơn Hậu.

Văn chương Nguyễn Đặng Mừng hiện thực, chân thực, ngay thẳng, thành hình được là nhờ có trào lưu Đổi mới từ 1986. Trào lưu này, ngay thời kỳ đầu, đã có những thành tựu nhất định về truyện ngắn. Vậy cũng nên đặt Bóng Chiều Hôm vào khung cảnh đương đại. Cùng phê phán những mặt tiêu cực của xã hội trong giai đoạn đổi đời, Nguyễn Đặng Mừng không thâm trầm như Nguyễn huy Thiệp mà có người cho là tàn nhẫn ; cũng không có nét sắc sảo của Nguyễn Ngọc Tư mà có người cho cường điệu. Nhưng anh thật thà phản ánh được thời sự của Miền Nam trong thời điểm gọi là cải tạo, với những truân chuyên, bất công và phi lý, và phản ánh với tầm nhìn thông cảm, độ lượng. Với rất nhiều tinh anh giọt thêm một giọt tinh ranh. Đặc tính của Bóng Chiều Hôm là lối kể thuyện Miền Nam linh động dựa trên nhân đạo, tóm lại trong mấy chữ : điệu nghệ và đạo nghĩa.

Truyện Nguyễn Đặng Mừng là chút nghĩa cũ càng, dưới một phong cách trẻ và mới.
Đặng Tiến