Tuesday, January 3, 2012

NGUYỄN VĂN LỤC * Câu Chuyện Về Tiki và Tika



Chó mèo ở xứ người cứ bề ngoài thì chúng sướng thật. Lần đầu đi siêu thị, thấy đồ ăn bầy trên kệ tưởng là cho người hóa cho súc vật. Chó mèo ngồi xe hơi nhởn nhơ, ngồi salông chễm trệ, được ôm , được bế, được đầm hôn hít.
Thấy mà ghen. Nói thật ra kể cũng muốn được đầm ôm hôn lắm chứ, nhưng chưa biết nếp tẻ nó ra làm sao? Nhưng nếu cứ tin vào các nhà văn nữ như Dương Như Nguyện trong Mùi Hương Quế hay Nguyễn thị Thanh Bình trong Thiên Thần Trong Bóng Tối bọn con trai VN chỉ là thứ gà chết. Chả bù với tây đen, tây trắng được. Nhục ra đi nay thêm cái nhục phái tính. Nghĩ mà đau. Nhận xét về các nhà văn nữ viết truyện hiện nay trong văn học, tôi có thể chỉ tóm tắt hai ba chữ là đủ : Le rôle inversé. Trong phạm vi tính dục, cái gì trước đây đàn ông làm chủ động, thì nay các nàng làm, làm hết, làm quá cỡ. Quý vị phụ nữ trong nhớ Huế muốn biết cho rõ, cho tỏ tường, chỉ xin yêu cầu anh chủ bút cho đăng bài : Nhận diện các nhà văn mới đầu thế kỷ 21 của tôi. Anh đã từ chối không đăng. Mong thay.
Cứ nhìn hình ảnh chó và đầm ôm hôn nhau, ta có cảm tưởng là hình ảnh của hai người bạn, tràn trề yêu thương và hạnh phúc. Lúc chó chết đối với người VN thì : Chó chết hết truyện. Nhưng đối với những cô đầm này thì khóc thương như cha chết, mẹ chết. Đi ngoài đường thì kè kè cái bị để sẵn sàng hốt cứt cho chó. Hốt cứt cho chó thì được, nhưng nếu bảo hốt cứt cho người thì các vàng cũng không làm. .

Cũng không hẳn vậy, đọc Hồi Ký của Tô Hoài trong Cát Bụi Chân Ai, ông kể khi về quê, ông đã tranh thủ dậy thật sớm để tranh nhau đi hốt phân để bón ruộng. Dậy trễ một tý là phân bị kẻ khác phỗng tay trên. Nghĩ mà tội. Tranh nhau từng cục phân. Nhưng vẫn chưa tội bằng những người làm nghề buôn bán phân ở Hànội. Họ còn lấy tay thò, khoắng vào gánh phân người, rồi đưa lên mũi ngửi để phân biệt phân * tốt * hay phân * xấu *.. Phân nhà giầu thì thối hơn được kể là phẩm chất tốt, có giá hơn phân nhà nghèo thường chỉ là bã rau cỏ. Đến lúc đi ra phân mà cũng còn phân biệt giai cấp giầu nghèo? Chẳng biết có cần phải nếm không? Nghĩ mà kinh hãi quá.

Cái cảnh người bên này ôm chó, ôm mèo, quý trọng súc vật như thế. Mới nhìn lần đầu không khỏi lấy làm lạ. Nhưng nhìn rộng ra, ngay từ con chim, thú rừng, con cá đến một cái cây cũng được bảo tồn, gìn giữ. Đi câu phải có giấy phép.. Đi săn cũng vậy. Nói chi đâu xa, chỉ cần lấy cái gậy hay lấy chân đá con chó kêu ăng ẳng thì nên nhìn trước nhìn sau kẻo hàng xóm thấy được thì rắc rối. Cảnh sát sẽ đến hỏi thăm ngay. Còn hơn các hội bảo vệ nhân quyền nữa. Với đủ thứ hội bảo vệ súc vật.
Nghĩ đến bên mình thì nay người ta săn bắt bất cứ động vật nào biết đi, biết bò, biết lội, biết bay. Từ hai chân đến bốn chân, có lông hay không có lông. Bốn chân cũng chết mà hai chân càng dễ chết hơn. Có vẩy, có da, có đuôi hay không đuôi, nhỏ hay lớn, hót hay nói, bất cứ ở đâu, ở rừng, trên núi, dưới biển, dưới sông, ở quê hay tỉnh, còn trinh hay mất trinh.. đến không còn bất cứ động vật nào thoát cảnh truy lùng của con người. Cứ nhìn cảnh * câu trời * theo lộ 843, huyện Tam Nông, Đồng Tháp Mười thì sẽ thấy cái nguy cơ hủy diệt sinh thái : Nào các loại cò, cúm núm, trích, ốc cáo, chằng nghịch. Chẳng súc vật nào thoát nạn. Người ta bắt bất cứ súc vật nào, ăn bất cứ cái gì hiếm nhất, lạ nhất mà trí tưởng tượng nghĩ ra được.

Bao giờ thì bầu trời VN không còn tiếng chim hót, dưới nước không có cá, trong rừng không có thú vật để chỉ còn lại có một giống người? Chưa có một nếp sống văn hóa súc vật, biết tôn trọng sự sống thiên nhiên, nói vội chi đến văn hoá con người.

Xin vào câu truyện Tiki và Tika. Tôi có chị bạn có hai con chó con. Chúng có tên hẳn hoi, có khai sinh hay không thì không rõ. Tên chúng là Tiki, Tika. Nhưng nội cái tên nghe đã đẹp và dễ thương rồi. Ít lắm Tiki và Tika cũng hơn một anh đi tù chỉ có bảng số mà không có tên. Vì tên một người tù đã không còn trong danh sách giống người nữa. Trong nhà tôi cũng có nuôi hai con mèo, có lần tôi đi đến lãnh về con mèo đực 7 tháng được đưa đi thiến. Cô thư ký hỏi tôi : Thế tên con mèo của ông là gì? Tôi cứ ngớ ra. Tưởng chỉ người mới có tên . Lại có màn giải thích, cô thư ký dở hồ sơ cho biết con mèo nhà tôi có tên là Phăng Phăng.
Theo lời chị bạn tôi kể cho biết Tiki và Tika không phải là con của chị. Số là lúc chúng được gần một năm thì có người bạn vì lý do gì đó không nuôi được nên đã cho Tiki và Tika. Người bạn gái đến cho hai con chó đã quyến luyến rơi nước mắt trước khi để chúng ở lại. Ít lâu sau, cũng tình cờ tôi có mặt ở đó, chị bạn tôi nhận được cú điện thoại của chủ cũ muốn đến thăm Tiki và Tika. Lúc đó Tiki và Tika đã ở với chị bạn tôi gần một năm. Vậy mà vừa trông thấy chủ cũ, cả hai chú chó đã cuống lên, ngồi phệt xuống, hai chân trước ngồi chống lên rồi kêu ư ứ trong miệng. Sau đó nằm lăn ngửa chổng vó lên trời, đuôi quẫy ra chiều sung sướng lắm. Tiki đã quá đỗi vui mừng gặp lại chủ cũ và tè một bãi. Sướng đến vãi đái ra quả thật không sai. Phải chờ một lúc sau mới bình tĩnh trở lại quấn lấy chủ. Trông cảnh đó ai mà không cảm động. Được một lúc thì chị bạn tôi đề nghị : Thôi ba má con dẵn nhau ra ngoài chơi một lúc đi. Thế là người và chó rứu ra tứu rít ra đường ST. Dorothée.
Cảnh đó cứ làm tôi suy nghĩ mãi khi về nhà, vì đôi khi người với người cũng chả được như vậy. Nhiều lúc nghĩ cũng ngượng, đã có bao giờ mà người viết dắt vợ con ríu ra rít rít, tung tăng ngoài đường phố như thế không? Đi thi đi trước cả 4,5 thước, lẽo đẽo theo sau là 2 chú nhóc rồi đến bà cụ thân sinh ra các chú . Đã có bao giờ vắng mặt con hai tuần, lúc chúng trở về thì ôm mà khóc không? Đã có bao giờ.. Thôi không dám nghĩ xa nữa.Nghĩ đến người rồi nghĩ đến chó ở VN. Chó VN ở ngoài Bắc chỉ làm mỗi một việc dọn cứt đái cho mấy đứa nhỏ. Đói quá ăn liều chứ ngon nỗi gì. Lơ mơ một cái là ăn những cú đạp, cú đá để rồi kêu oăng oẳng. Đúng là khổ như chó.. Nào đã xong, nhơn nhởn một chút, có da có thịt là liệu cái thần hồn bị trở thành dựa mận, dồi chó lúc nào không hay. Chó trong năm khẩu phần ăn có sang hơn một chút, nhưng ra đường không khéo mất mạng như chơi.

Quên chưa thưa với quý vị là cả hai Tiki và Tika thuộc loại chó nhỏ síu.. Tôi cũng không rành rẽ là giống gì. Nhưng hình như, thân hình gầy đến nhỏ thó của Tiki và Tika là thuộc loại người mẫu thời thượng bây giờ. Các bà, các cô đều mơ ước được gầy như Tiki tika. Bà nào đến chơi cũng muốn nưng niu hai chú chó nhỏ xíu dễ thương. Chị bạn tôi mỗi lần dắt chó ra đường là một hãnh diện hơn là dắt chồng. Vì tây đầm chạy lại, cúi xuống vuốt ve, cười hỏi thăm tíu tít..Trong khi chồng chị thì đứng tần ngần xa xa, cách đó mấy bước, mặt mũi lạnh tanh như một hiền triết. Đôi lúc thấy chị bạn ôm cứng con chó, nghiến răng nghiến lợi nói : Tôi cưng nó lắm cơ làm con chó đến nghẹt thở. Tôi lại có dịp ngước mắt nhìn anh chồng thăm dò. Anh vẫn điềm nhiên tọa thị. Hình như cảnh đó đã quen quá đối với anh rồi.

Về đến nhà, tôi bâng quơ tự hỏi, cái tình Chó-Người ở đây là biểu thị tình yêu giữa người với vật hay là biểu thị một niềm cô đơn, lấp đầy một khoảng trống? Người ta yêu chó chỉ vì không yêu được người hay bị người phản bội? Có sự thất vọng về người? Có những đắng cay, chua xót về người ? Có sự ruồng bỏ, khinh miệt, có bôi nhọ? Yêu chó phải chăng chỉ là lấp chỗ trống, thay thế chỗ của người? Người không yêu ta thì ta yêu chó. Người đối xử tàn tệ, người lạnh nhạt dửng dưng, người bỏ ta đi thì ta về với chó. Chó là chỗ để ta về, chỗ nương náu và trú ẩn. Càng ngày cái xu hướng * thời đại * yêu chó hơn yêu người càng có có cơ sở tồn tại. Có một nếp sống văn hóa súc vật ló dạng và hiện hình? Thử hỏi, người bạn tin cẩn nhất của ông Bush, ông Putine là ai? Tại sao chỉ có mình chó có thể thay thế con người trong một số chức năng cao thượng, lý tưởng và siêu vợt tưởng chừng chỉ có con người mới đảm đương nổi : Thông xẻ và yêu thương, cho mà không cần đáp trả, hy sinh và tận dâng nếu cần cả cuộc đời, cả mạng sống mình, nhẫn nại kiên trì và chờ đợi, trung thành và chính trực. Tại sao chó lại lãnh cái vai trò trung gian, làm hoà, nối liền người-người mà con người đã không đảm đương nổi? Những chức năng và đức tính mà khó có thể đòi hỏi ngay cả nơi những bậc đại nhân, những người gần bước đến* cổng trời * cũng không chắc làm được. Tôi có nói quá cho chó không? Giống mà vẫn bị con người khinh miệt và đối xử thật tồi tệ. Nghĩ đến nó phải chăng là thiết lập lại một nếp sống văn hóa súc vật, mở đầu cho văn hóa người?
Tuần vừa rồi, chị bạn lại phone kể lể cho biết về hai đứa con của mình. Tôi vẫn có thói quen vảnh tai nghe chuyện về súc vật như thế. Chị vừa cho hai đứa đi thử máu hết 120 đồng. Sau đó chích ngừa dại 12O đồng nữa. Nhưng vì Tiki và Tika đều là thanh niên nên chị đã quyết định thiến cả hai. Tốn thêm 180 nữa. Vị chi mất 420 đồng . Vừa bằng tiền lương một tuần lễ của một người thợ và hơn lương của một người đi làm lương tối thiểu ở Canada. Và nếu tính bình quân cho một người dân VN bây giờ thì bằng số lương của một người Việt Nam đi làm trong một năm. Và dĩ nhiên, với số tiền đó sẽ nuôi được ít lắm bốn người trong suốt một năm. So sánh như vậy rồi lại chẳng muốn nghĩ nữa. Hoá ra nuôi chó còn tốn hơn nuôi người, hóa ra quý chó hơn quý người. Thay vì nuôi hai con chó, có thể nuôi được hai gia đình bên VN. Thôi, thôi, đừng nghĩ nữa..

Tôi lại không dám nghĩ xa hơn nữa. Nhưng chị bạn tôi kiếm nhiều tiền thì số tiền đó có nhằm nhò gì ở xứ người. Chuyện tiền bạc là chuyện nhỏ. Điều làm tôi suy nghĩ thêm là thương chó, sao nỡ thiến nó đi như vậy? Có bất nhẫn quá không? Có mỗi một sinh thú ở đời, có mỗi một nguồn vui mà ông Trời đã dành cho mọi loài thì bị thiến mất. Có ai đi thiến người yêu không? Nói đến chuyện thiến thì Chó và Hoạn quan có gì khác nhau? Chỉ giống nhau ở chỗ bất nhân còn khác chứ. Khác lắm đi nữa. Họan quan là kế sách lâu dài triệt hạ cái bản năng tình dục của đối phương để bảo tồn và độc quyển hưởng thụ cái giống quý của mình. Nhưng kế sách đó, theo tôi, nay thì hoàn toàn vô dụng và tỏ ra quá khờ khạo. Mất của quý, cái vật thừa ấy, còn mắt để nhìn, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp, để liếc mắt đưa tình. Còn tai để nghe lời dịu ngọt, nghe tiếng hát lời ca như nghe tiếng Hát Hà ô Lôi vậy. Còn miệng để nói lời yêu đương, dịu ngọt. Còn lưỡi thì tôi.. đành.. chịu không biết dùng vào việc gì được. Vâng. Đành chịu, Nhưng còn tay để vuốt ve mơn trớn, để ôm và nhất là…nhất là còn một con tim. Tất cả là ở chỗ ấy.
Cho nên, không ai cấm cản được người ta yêu nhau. Tôi viết đến đây là nghĩ đến tôi trước hết đấy. Một lời nhắn gửi. Và tôi kể cho bạn đọc nhớ Huế một câu chuyện nhớ đời.. Nhà văn Thảo Trường có viết một truyện ngắn, trong đó có kể câu truyện trong một trại tù có Nam và nữ, ngăn cách bằng rào kẽm gai. Bằng đèn pha chiếu dọi ngày đêm, bằng lính canh, bằng súng đạn, bằng những hăm đe bị nhốt bỏ đói, bỏ khát, bị nhốt trong ca sô nếu bị bắt gặp... Vậy mà có hai kẻ lãng tử, gặp nhau nơi chốn này, phải lòng nhau trong một hoàn cảnh đến là cay nghiệt và trớ trêu. Họ đã liều bất kể sống chết. Kế hoạch vừa dản dị, vừa thô kệch và cực kỳ lãng mạn hơn cả cái ngày tái hồi Kiều và Kim Trọng của TKL. Khi trời chạng vạng tối, chị ta chỉ cần nháy mắt ra hiệu, ra sát hàng rào kẽm gai, rồi cúi khom xuống vạch cái quần ra như đi tiểu..đít hướng về phía bên kia. Phiá bên kia của địa ngục, cũng là niềm hạnh phúc của chị, củng chỉ cần cởi nút khuya quần ra đi tiểu, dí sát vào hàng rào. Thế là xong. Miền đất thiên đàng nằm chông chênh giữa hai miền địa ngục, ranh giới là một hàng rào kẽm gai. Quá đẹp. Quá lãng mạn. Nhưng tôi vẫn còn một câu hỏi, cái người đàn ông may mắn hơn tôi đó đã bằng cách nào, trấn áp được nỗi lo sợ để có thể trong một tình huống như thế vẫn đảm đương nổi cái chức năng của giống đực.. Thật bội phần thán phục.

Cái kẻ đã nghĩ ra được kế thiến người phải chăng mở đường cho việc thiến chó?
Nhưng thiến như thế thì thương chó hay thương mình? Ở nhà tôi cũng vậy, sợ con mèo phăng phăng cào rách bộ salon bằng da nên các con tôi quyết định cho rút móng chân của mèo. Từ đó, có sự xung đột, mâu thuẫn cha con về việc thiến hay không thiến, rút hay không rút móng. Mèo mất móng là thứ *gà chết*, giống đàn ông bị thiến, không chạy nhảy như trước nữa, chẳng khác gì người què. Ra ngoài vườn trèo leo đâm khập khễnh, gặp chuột chỉ đành cười trừ xã giao xuống nước : đằng ấy có khoẻ không? Chuột biết mèo không có móng khinh khỉnh không thèm trả lời. Chuột thong thả đi qua mặt mèo, liếc séo cái nhìn khinh bỉ, như một khách nhàn du, cười hích hích. Mèo nhìn chuột trong nỗi bất lực và niềm oán hận về khuyết tật của mình. Chẳng hiểu mèo có nhìn ra được cái lẽ, cái mầm mống của sự mất móng không? Rách bộ Salông có phải là lý do cần và đủ để con người hành xử tàn tệ với số phận của mèo không ? Nghĩ đến thấy rùng rợn, thấy có vẻ ác độc làm sao. Giả dụ, rút móng chân người như vậy có được không? Rút móng chân mình có được không?

Hội bảo vệ súc vật tại sao chấp nhận những việc làm như vậy. Đánh con vật thì không được, có thể ra tòa nếu bị thưa. Nhưng rút móng chân, thiến chó , thiến mèo thì lại không sao cả. Càng nghĩ, tôi càng thấy quẩn. Có cái gì không ổn, có cái gì mâu thuẫn chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao?

Mới dây thì tai họa xảy đến cho Tiki Tika rồi. Cuộc đời Tiki và Tika bước vào một ngõ cụt đến thảm thương. Vốn thương chủ nên mỗi lần chị bạn tôi về nhà là cả hai vui mầng sủa gâu gâu. Trăm lần như một, cảnh đó diễn ra và nếu chị về trễ thì Tiki và Tika buồn và chảy nước mắt . Thấy mắt Tiki, Tika có rỉ mắt, chị bảo : hôm qua về trễ nó khóc đấy. Thương quá là thương. Chúng xốn xang xốn ruột, chúng cồn cào bầy tỏ tâm trạng chán ngán, thất vọng, chạy ra chạy vào, rên ư ử. Thật đến tội nghiệp. Sự bầy tỏ như thế, con người đôi khi cũng không so sánh bằng. Người ta đã nhiều lần thấy giống chó trung thành với chủ đến bỏ ăn, nhịn đói đến chết theo chủ, hoặc mỗi ngày ra nằm phủ phục trước mộ chủ như tỏ lòng thương tiếc. Đôi người đã nhẹ dạ phán rằng : chó còn hơn người. Tôi lại cũng không dám nghĩ xa hơn nữa.


Quên chưa nói là chị bạn tôi ở trong một chung cư nhiều tầng. Có bà hàng xóm không chịu được tiếng chó sủa đã đâm đơn kiện. Có thể bà hàng xóm này vẫn ra vào gặp Tiki và Tika và đã từng vuốt ve Tiki. Nhưng nghe tiếng chó sủa lại là chuyện khác. Bà có thể khó chịu, có thể mất ngủ và rất có thể nổi khùng lên không chịu đựng được. Bà kiện lên chủ chung cư. Chủ chung cư gửi giấy phạt 75 đồng vì chó gây ồn ào trong chung cư. Xứ người nó lạ lắm, thái độ, cách hành xử khác ta lắm. Ở bên nhà, chó sủa là chuyện thường. Gà gáy sáng là chuyện thuờng. Tiếng chim chóc hót buổi sáng là chuyện cũng rất bình thường. Tiếng ve sầu ra rả suốt ngày nghe điếc tai, rồi cũng quen. Ban đêm tiếng chó chu, sủa trăng cả đêm vẫn ngủ được. Mà có ai điên khùng đi kiện nhà có chó? Có ai đi ngăn tiếng chim hót? Mất tiếng hót thì chim không còn là chim. Có ai đi ngăn tiếng gà gáy te te mỗi sáng? Con gà trống trong ngày chỉ hứng tình lúc đó và chỉ gáy lúc đó. Người ta bảo gà gáy sáng. Tôi không tin như vậy.Thiếu tiếng gà gáy buổi sáng, thiếu tiếng chim hót, thiếu tiếng ve sầu thì như đời sống không bình thường nữa. Ta quen quá rồi đến độ gần gũi thân thương, đến độ không có không được. Vậy mà nghe tiếng chó gâu gâu vài tiếng đã nổi điên lên, chịu không nổi.. đó cũng là nét cá biệt của người da trắng.. Chỉ một chút xíu như xầy da, tróc vẩy đã trở thành một kiếp nạn đối với họ rồi. Vì thế, họ lấy làm lạ lắm khi thấy chúng ta khốn đốn nào chiến tranh, nào nghèo đói, nào tất bật chạy gạo từng bữa mà vẫn nhởn nhơ, vẫn có nụ cười.. Họ không hiểu được ta. Ta cũng không hiểu được họ.

Chị bạn tôi vì thương Tiki, Tika, vì muốn giữ hai con chó với mình nên đành đọan quyết định mang chúng đến thú y giải phẩu cắt đi thanh khí của nó. Phắc tuya lên tới 1500 đồng gồm đủ thứ lỉnh kỉnh ở trong. Tôi không dám lạm bàn vào chi tiết. Nên phê phán bà hàng xóm khó tính hay phê phán chị bạn ác quá? Phần trách nhiệm, lỗi phải về ai ? Về chủ con chó là chị bạn? Hay người hàng xóm? Chó đã mất sinh thực khí nay lại mất béng thanh quản còn sống làm gì nữa? Nếu tôi ở trường hợp nó, tôi sẽ sống làm sao? Trông thấy đàn bà đẹp, dỏ nước dãi, máu chạy ngược ứ lên đầu muốn vỡ bung ra. Mồm thì muốn nói lời yêu đương cũng không được, muốn chửi thề cũng không xong.


Lại chuyện tiền. Nhưng như đã nói ở trên. Chị bạn tôi không kể chuyện tiền bạc. Nhưng tôi lại nghĩ lang thang vớ vẩn, so sánh đủ chuyện. Tôi có người bạn kể cho biết, anh đã xin tiền để giúp một cơ sở y tế ở vùng Nhatrang, trong đó có khám bệnh và phát thuốc cho người nghèo và người dân tộc thiểu số. Vậy mà số tiền chi phí hằng năm chỉ trên 3000 đồng. Rồi còn phát gạo 20 kílô cho người nghèo. Với hơn 3000 đồng đó, biết đâu đã cứu sống được nhiều mạng đứa trẻ. Mạng người là quý, những đồng tiền cứu trợ đó cũng vô giá. Đừng nghĩ thì thôi, nghĩ tôi lại buồn.

Còn số phận Tiki và Tika bây giờ đến thảm thương. Mỗi lần chủ về, hai chú không sủa được nữa. Chỉ khò khò trong cuống họng. Có lẽ thiến, hai chú cũng còn chịu đựng được. Nhưng muốn bầy tỏ lòng thương chủ thì nay đành chịu. Phải chăng, đó là nỗi khốn khổ nhất của hai chú?

Nghĩ lại con Phăng Phăng nhà tôi còn may mắn lắm. Nó được chiều như chiều vong. Không cho ra ngoài, Phăng Phăng cứ theo bám dính lấy tôi kêu gào. Rồi nó tức mình hất mọi thứ ở trên bàn xuống đất kêu loảng xoảng. Sách vở, tài liệu vốn là thứ tôi quý nhất xếp đâu ra đó, nó lấy chân hất xuống đất. Thiếu gi thứ để vất xuống đất. Cứ nhè sách vở thôi. Có vẻ khinh tôi ra mặt, biết vứt cái gì tôi quý nhất, khinh cả cái đám chữ nghĩa của tôi và cả những người bạn của tôi nữa. Nằm phơi dưới sàn, ngổn ngang, lẫn lộn các nhà văn như Lê thị Thấm Vân, Đỗ Hoàng Diệu, Mai Ninh vv..., rồi các nhà báo nam nữ, các triết gia, các nhà sử học, nhất là các nhà sử học thì đến tội nghiệp. Cả nhà chỉ cười. Con trai tôi vừa cười vừa mắng yêu : Phăng Phăng hư quá à. Nói xong, liệu mà đi nhặt tài liệu vung vãi dưới đất. Về mùa hè, đôi lúc tôi khổ với Phăng Phăng. Nó bắt chim, bắt chuột nhắt đủ thứ cõng về nhà, vứt vào xó nào đó. Nhà thối hoăng lên mới biết tại Phăng phăng.
Chính điều đó làm tôi giận Phăng Phăng. Bắt chim, bắt chuột rồi ăn cho thêm dinh dưỡng như mèo bên nhà là điều tốt, hợp với bản năng của nó. Nhưng ở đây sát sinh để đùa, để chơi, để nghịch là điều bất nhẫn. Mà thường cái chức năng đó chỉ dành cho con người. Phăng Phăng ăn ngon đủ thứ đâu thèm ăn chim sống chuột chết. Tôi giận Phăng Phăng là vì thế. Nó chẳng nên bắt chước con người. Tôi giận P.P còn có lý do nữa. Nghĩ lại vào năm từ 1950 đến 1954, tôi lưu lạc ở Hànội một mình giữa hai lằn đạn. Không có mà ăn, cũng đi bắt chim sẻ về nướng ăn. Đó là bữa tiệc. Bụng đói, nhìn bất cứ cái gì cũng chãy nước dãi, dù chỉ là nắm cơm. Thiếu dinh dưỡng hai chân tôi phù, đôi lúc phải bò lê, bò càng. Nghĩ mà càng tức Phăng Phăng.

Nói chi đâu xa, khoảng năm 1982 gì đó, tôi được thư ông anh lớn ở Sàigon gửi thư sang căn dặn : Chú phải gửi về Sàigòn loại cá hộp xắc đin của Marốc về để bồi dưỡng cho ông anh cả đang đau nặng. Nay phải bồi dưỡng cho* anh ăn uống theo tiêu chuẩn Quốc tế*. Cứ nghĩ đến câu ăn theo tiêu chuẩn quốc tế, tôi lại không nhịn được cười. Bên nhà cho thế là sang lắm. Soài, mít. ổi, chôm chôm, măng cụt ngon gấp 10 lần cam , lê táo xứ người lại chê. Cam lê táo mới quý cơ, mới sang. Ăn cá lóc, cá rô nướng , lươn sào lăn thì bổ gấp trăm, ngon gấp trăm cái đồ vứt đi ở xứ người là mấy con xặc đin. Biết vậy, tôi làm thinh không gửi về. Trong khi đó, Phăng Phăng xơi cá Tuna, hộp nhỏ xíu, đắt 2,3 lần sắc đin
. Được cái Phăng phăng có cái hay là không thèm ăn vụng. Đồ ăn dọn trên bàn, nó không thèm để mắt tới. Thường theo bản tính thì mèo ăn vụng, người thì ăn hối lộ. Luật thiên nhiên là vậy. Nên thời nào cũng vậy. Nghĩ thế, biết đâu tôi cứ gửi cho người Việt Nam cá Tuna ở bên này về họa may hết bệnh ăn hối lộ chăng? Chỉ sợ bệnh chưa hết mà Tuna lên giá thì bỏ mẹ cả nước. Cũng thú thực là nhiều lúc, tôi cũng lấy ăn ké. Chẳng hiểu ăn như thế, phải gọi Phăng Phăng ăn theo tiêu chuẩn nào? Đúng là người không bằng vật. Nước ta còn nghèo, bà con còn nghèo biết làm sao được. Thôi thì sống ở đâu thì theo đó, so sánh làm gì cho thêm mệt.

Trước khi chấm dứt bài , người viết thấy cái bộ óc con người nó kỳ diệu lắm, có thể nghĩ ra những điều tốt nhất và cả những điều ghê tởm nhất. Cứ nhìn đám chữ nghĩa con người xử dụng hẳn thấy điều đó. Sự toàn thiện, toàn mỹ và sự tàn bạo, ô nhục cách nhau có một lằn ranh nhỏ. Khốn cho thời đại chúng ta, lúc nào cũng phải sống giữa những làn ranh đó trong vòng tranh chấp thị phi. Vì thế, con người đi tìm một trái đệm, một chỗ tựa, một chỗ ẩn náu nơi giống chó. Chó càng lên ngôi, sự phá sản niềm tin vào người, vào đồng loại càng sâu đặm. Trong tương lai, mà đã có rồi đấy, sẽ có chuyện bảo hiểm cho chó, mèo, thừa kế di sản, nghĩa địa cho chó mèo và biết đâu có cả bàn thờ với di ảnh, linh vị như người chết. Người Nhật mới đấy làm lễ bái lậy trước trước vong linh hằng trăm ngàn gà bị dịch cúm gà phải tiêu hủy. Phải biết đâu đấy. Chó mèo sẽ ngồi lên chỗ mà trước đây chỉ có bậc tổ tiên, cha mẹ, bậc anh hùng được ngồi? Cái điều tồi tệ nhất có thể xảy ra không còn xa nữa.. Lúc đó thì sẽ có một nếp sống văn hóa súc vật.. bị đảo ngược. Người viết quả tình không mong điều đó xảy ra.
Nhưng tôi vẫn còn câu hỏi canh cánh bên lòng chưa có câu trả lời : Tiki và Tika cũng như Phăng Phăng sướng hay những chú mèo chú chó Việt nam chạy dông ngoài đường sướng? Được cưng chiều, được thiến, được ăn ngon, được cắt thanh khí, được để di ảnh, được là bạn chân tình của hai người mạnh nhất hoàn cầu..? hay ngược lại bị phải ăn cứt, bị xua đuổi, bị hành hạ, bị mất mạng như chơi, được tự do muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm ? Thật sự, tôi không đủ sức để trả lời một câu hỏi đơn giản như thế.

Riêng bản thân người viết, kỳ tới sẽ phải đương đầu với một lương tâm khó xử , một xung đột văn hoá giữa trong và ngoài khi đặt chân về nước : Có nên chiều theo cái dạ dầy đi xe ôm xuống khu Ngã Ba ông Tạ làm một đĩa thịt chó cho có hương vị quê hương? Sự chọn lựa ắt cũng không phải dễ..